Xác định nông nghiệp là nền tảng phát triển, nhiều năm qua, Vĩnh Thủy chủ động đưa ra nhiều giải pháp, kế hoạch để khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, trong đó công tác đào tạo nghề nông thôn được chú trọng, nhằm trang bị kiến thức giúp nông dân tự tin chuyển đổi sản xuất.
Nâng "chất" nguồn nhân lực
Theo UBND xã Vĩnh Thủy, hoạt động dạy nghề trên địa bàn xã đang được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, thực hiện theo phương châm “cầm tay chỉ việc”, “vừa học, vừa làm”.
![]() |
Vĩnh Thủy chú trọng đào tạo nghề, nâng cao trình độ cho người dân (Ảnh TL). |
Trong nửa thập kỷ qua, toàn xã Vĩnh Thủy đã phối hợp tổ chức được trên 50 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, với gần 1.000 lượt học viên tham gia. Trong đó, chủ yếu tập trung đào tạo từ 1 - 3 tháng, ngành nghề đào tạo chủ yếu thuộc các nhóm ngành nghề nông - lâm - ngư nghiệp, dịch vụ.
Đặc biệt, trong quá trình đào tạo nghề, xã đã trang bị thêm cho người học kiến thức về kinh doanh, an toàn lao động, cũng như kỹ năng thực hành, làm việc theo tổ, nhóm, liên kết hoạt động hiệu quả trong các HTX, tổ hợp tác.
Là một HTX tiêu biểu ở xã Vĩnh Thủy, HTX Kinh doanh và Dịch vụ nông sản Tây Vĩnh Thủy đang cho thấy tầm quan trọng của việc nâng cao kiến thức trồng trọt cho các thành viên thông qua việc tham gia tích cực vào các lớp tập huấn, đào tạo nghề do xã, huyện tổ chức.
Kiến thức vững vàng về trồng trọt đang giúp các thành viên HTX Tây Vĩnh Thủy phát triển thành công vùng canh tác cây ăn quả lớn nhất trên địa bàn huyện Vĩnh Linh. Hiện, HTX đã phát triển được hơn 78 ha cây ăn quả, trong đó có khoảng 68 ha đang trong thời kỳ thu hoạch.
Ông Trần Văn Phẩm, thành viên HTX Tây Vĩnh Thủy cho hay, tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt đã giúp ông mạnh dạn khai hoang, phục hóa và mở rộng trang trại trồng cây ăn quả với 2 ha các loại cây ăn trái như thanh long, bưởi da xanh, chanh leo... Từ các mô hình này, gia đình ông Phẩm lãi ròng khoảng 200 triệu đồng mỗi năm sau khi trừ chi phí.
Không chỉ về kinh tế, việc được đào tạo nghề giúp ông thay đổi tư duy sản xuất, ứng dụng phương thức sản xuất khoa học, từ đó giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao sức khỏe.
“Từ khi được tham gia khóa tập huấn trồng trọt của địa phương, tôi ứng dụng phương pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM, phát triển các loài thiên địch có lợi thay vì lạm dụng thuốc trừ sâu, qua đó giảm thiểu chi phí, tăng năng suất 20 - 35%”, ông Phẩm chia sẻ.
Khai thác tốt tiềm năng
Rõ ràng, hiệu quả từ các lớp học đào tạo nghề đã và đang giúp xã Vĩnh Thủy nâng chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn, qua đó đẩy nhanh xóa đói giảm nghèo, đồng thời giúp người dân biết áp dụng tiến bộ khoa học, chuyển giao công nghệ vào thực tiễn sản xuất để tăng năng suất lao động.
![]() |
Dạy nghề là chìa khóa giúp xã Vĩnh Thủy nâng cao hiệu quả chuyển đổi sản xuất nông nghiệp (Ảnh TL). |
Ông Phan Ngọc Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thủy đánh giá, đào tạo nghề nông thôn là một trong những yếu tố quan trọng để xã đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế kinh tế vùng gò đồi, đưa vào sản xuất nhiều cây trồng, vật nuôi mới…
Những năm qua, nhờ được đào tạo nghề, người dân trong xã đã phát huy tốt nội lực trong lao động sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa trên thị trường. Theo thống kê, tổng diện tích gieo trồng hằng năm trên toàn xã đạt trên 1.400 ha, trong đó diện tích cây lúa trên 1.100 ha.
“Việc được đào tạo nghề, nắm vững kỹ thuật giúp người nông dân ứng dụng hiệu quả khoa học - kỹ thuật xây dựng thành công các vùng sản xuất quy mô lớn, hiệu quả vượt trội. Hiện, xã đang có vùng sản xuất lúa giống rộng trên 30 ha, cánh đồng lớn Thủy Ba Hạ 120 ha…”, ông Nghĩa cho hay.
Bên cạnh cây lúa, cây ăn quả cũng đang trở thành cây trồng thế mạnh trên địa bàn xã Vĩnh Thủy. Nhờ tích cực mở rộng quy mô gắn với đào tạo nghề, xã đang phát triển ổn định các vùng sản xuất với tổng diện tích 106 ha, doanh thu ước đạt trên 10,9 tỷ đồng.
Ngoài ra, chăn nuôi cũng luôn được xem là ngành quan trọng mang tính truyền thống, có hiệu quả, nên xã Vĩnh Thủy tiếp tục đẩy mạnh dạy nghề giúp các hộ chăn nuôi phát triển bền vững theo hướng trang trại, gia trại bán công nghiệp.
Nhiều hộ gia đình đã đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi xa khu dân cư và ứng dụng thành thục, hiệu quả các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới để tăng quy mô đàn cũng như đảm bảo vệ sinh môi trường chăn nuôi.
Có thể thấy, hiệu quả đào nghề là một trong những chiếc chìa khóa để xã Vĩnh Thủy phát triển các mô hình kinh tế trang trại, gia trại, góp phần quan trọng tạo chuyển biến toàn diện nền nông nghiệp địa phương.
Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh dạy nghề, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các mô hình kinh tế, nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, xây dựng các sản phẩm đặc trưng, giàu sức cạnh tranh, từ đó nâng cao giá trị sản xuất, ổn định thu nhập cho người dân.
Hưng Nguyên