Cơ giới hóa trong nông nghiệp làm lao động nông thôn dôi ra cùng với nhu cầu việc làm ngày càng cao của khu vực nông thôn nên ngày càng nhiều nông dân phải rời quê đi tìm việc ở các khu công nghiệp. Từ thực trạng đó, Liên minh HTX Thanh Hóa đã quyết định tận dụng mặt bằng của HTX, phối hợp với giáo viên dạy nghề và giao HTX làm trung gian đứng ra ký kết hợp đồng với công ty lo đầu vào, đầu ra cho sản phẩm.
![]() |
Từ việc học tập, tập huấn kỹ thuật, trồng thử nghiệm, các mô hình trồng nấm đã cho hiệu quả |
Chuỗi liên kết dạy - học- làm
Là một trong những HTX được chọn thí điểm, HTX Dịch vụ nông sản hữu cơ Trúc Phượng (xã Yên Thọ, huyện Như Thanh) đã định hướng sản xuất, kinh doanh (SX-KD) theo hướng chuỗi giá trị nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Giám đốc HTX Trúc Phượng, Nguyễn Đình Trúc phân tích: Mấu chốt của vấn đề không chỉ là ai đứng ra đại diện mà còn là sự liên kết chặt chẽ có tính chất sâu chuỗi. Chẳng hạn như phải có dạy nghề, người học phải có việc làm, làm ra phải có người tiêu thụ. "Xác định mấu chốt và chuỗi liên kết đó chúng tôi cùng với chính quyền địa phương, Liên minh HTX nhanh chóng ngồi lại bàn liền các bước. Trước tiên là mở lớp đào tạo trồng nấm" - ông Trúc thổ lộ.
"Nghe nói học xong có việc làm liền thì ai cũng hăng hái, vả lại học ở gần nhà cũng tiện. Sau khi tham gia học hơn một tháng tôi đã biết các kỹ thuật trồng nấm" - chị Nguyễn Thị Ngọc Bình một người tham gia khóa học cho biết.
Trên cơ sở người học, tập huấn kỹ thuật, HTX xác định được tay nghề cũng như lực lượng lao động, từ đó đại diện người lao động đứng ra ký kết hợp đồng sản xuất...
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Trúc - Giám đốc HTX, trình độ chuyên môn trong ban quản trị, cũng như các thành viên trong HTX không đồng đều, thiếu hụt nguồn nhân lực có năng lực, trình độ kỹ thuật cao. Việc đưa cán bộ trẻ về làm việc được xem là hướng đi hợp lý, đã bổ sung cho HTX nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.
Nhờ đó, HTX đã chú trọng đầu tư áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nấm ăn tự động, mở rộng diện tích trồng nấm, thực hiện liên kết với nông dân chuyển giao công nghệ sản xuất, xây dựng thương hiệu nông sản hữu cơ hướng tới xuất khẩu. Thu nhập của các thành viên trong HTX ổn định 4,5 - 5,5 triệu đồng/ người/tháng.
Một điểm sáng khác trong phong trào xây dựng HTX nông nghiệp kiểu mới của tỉnh Thanh Hóa phải kể đến HTX Dịch vụ nông nghiệp Thiệu Hưng (thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa). Thời gian qua, HTX luôn tạo điều kiện cho các cán bộ tham gia các lớp tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm, kỹ thuật nông nghiệp do Liên minh HTX tỉnh tổ chức. Đồng thời, tổ chức cho các thành viên đi tham quan, học tập các mô hình điển hình ở các địa phương để trao đổi kinh nghiệm trong quản lý, điều hành hoạt động SX-KD.
Theo báo cáo của Liên minh HTX tỉnh, Thanh Hóa hiện có trên 2.900 cán bộ đang công tác tại các vị trí Ban Quản trị, Ban Kiểm soát, Kế toán... hoạt động tại hơn 950 HTX. Tuy nhiên, có 288 HTX hoạt động trung bình, yếu kém và 40 HTX chưa đủ điều kiện đánh giá xếp loại. Khoảng 2.500 người có trình độ đào tạo từ trung cấp trở lên, còn lại là chưa qua đào tạo.
![]() |
HTX Thiệu Hưng luôn tạo điều kiện cho các cán bộ tham gia các lớp tập huấn |
Giải pháp mang tính chiến lược
Để các HTX thoát khỏi tình trạng kém phát triển, Liên minh HTX tỉnh đã đẩy mạnh công tác hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình HTX điển hình trong và ngoài tỉnh cho đội ngũ quản lý các HTX. Hình thức đào tạo, bồi dưỡng được đổi mới theo hướng sát với điều kiện hoạt động của các HTX.
Cụ thể, giai đoạn 2014 - 2018, Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức triển khai 34 lớp bồi dưỡng, tập huấn cho 1.970 lượt học viên là cán bộ quản lý HTX với tổng kinh phí thực hiện là 3.842 triệu đồng từ nguồn ngân sách nhà nước. Trong đó, nội dung tập trung về những kiến thức, kỹ năng như: Quản lý, điều hành HTX, xây dựng chiến lược SX-KD, kế hoạch maketing, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm...
Ông Nguyễn Văn Hưng - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Trên cơ sở phân tích những ưu điểm, hạn chế của đội ngũ quản lý HTX, Liên minh HTX đã xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho HTX với nhiều giải pháp mang tính chiến lược.
Trong đó, Liên minh HTX tỉnh đã thực hiện thí điểm đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học về làm việc có thời hạn ở 5 HTX trên địa bàn 4 huyện Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Như Thanh và Ngọc Lặc. Việc làm này đã tạo điều kiện cho các cán bộ trẻ phát huy năng lực trong thực hiện nhiệm vụ triển khai các mô hình, dự án.
Hà Xuyên