Để tạo sự bình ổn cho thị trường bất động sản (BĐS) tỉnh, các cơ quan chức năng Thanh Hóa đã áp dụng hàng loạt biện pháp. Thế nhưng, sau một thời gian tạm lắng, thị trường BĐS Thanh Hóa gần đây tiếp tục nóng trở lại.
Nhiễu loạn thị trường
Theo tìm hiểu của VnBusiness, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn tồn tại nhiều mặt bằng chưa đủ điều kiện pháp lý để có thể thực hiện các giao dịch dân sự, như: Mặt bằng 1130 phường Hàm Rồng, 09 Nam Ngạn, 1820 Quảng Thành và các mặt bằng trúng đấu giá nhưng chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
![]() |
Dự án khu dân cư dọc hai bên đường dự án CSEDP thuộc khu đô thị Đông Sơn, TP Thanh Hóa được đấu giá 8 triệu đồng/m2, sau 3 tháng đấu giá được "cò" thổi giá lên 50 triệu đồng/m2. |
Tuy nhiên, trên thực tế, việc khuyến cáo, thanh kiểm tra và xử lý những trường hợp trên vẫn chưa cho thấy hiệu quả khi mà tại tại các dự án đô thị có quy mô, hạ tầng đồng bộ vẫn có biên độ tăng giá cao. Còn ở vùng nông thôn, hiện tượng sốt đất và giá đất liên tục tăng vẫn đang là một vấn đề nhức nhối.
Nhằm thực hiện giải pháp thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh, tránh để xảy ra tình trạng “bong bóng” BĐS, UBND tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra nhiều khuyến cáo cũng như giải pháp như: Tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm tra và thanh tra, đồng thời cũng có giải pháp phù hợp nhằm ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu tư theo tâm lý đám đông… gây bất ổn cho thị trường, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội địa phương và đời sống của người dân.
Các nhà đầu tư BĐS cho rằng, nguyên nhân dẫn tới hiện tượng tăng giá bất thường như trên là do ở những khu vực có hiện tượng sốt đất sẽ xuất hiện những cò mồi đứng đằng sau để thổi giá. Họ tạo ra các giao dịch ảo, bằng cách mua đi bán lại trong nhóm với nhau nhằm nâng giá để tạo ra cơn sốt đất.
Điển hình cho hiện tượng này có thể kể đến khu đất thuộc dự án khu dân cư dọc 2 bên đường CSEDP, thuộc khu đô thị Đông Sơn, TP. Thanh Hóa.
Theo thông tin từ phía đơn vị trúng đấu giá khu đất, đến thời điểm hiện tại, đơn vị chưa có bất kỳ đợt mở bán hay nhờ các sàn bất động sản nào đứng ra huy động vốn tại dự án này.
Tuy nhiên, khi tiếp cận thực tế tại dự án, không khó để bắt gặp các nhân viên tư vấn không bảng biển, không bảng tên, tự dựng lều bạt xung quanh khu đất dự án để mời chào người dân khi tới khu vực này.
Được biết, hiện tại, giá bán thấp nhất mà các cò mồi đưa ra dao động từ 20 triệu đồng/m2 đến 40 triệu đồng/m2 tùy thuộc vào những căn có vị trí đắc địa.
Đất vàng bỏ hoang
Điển hình trong số những dự án chậm tiến độ, bỏ hoang chưa triển khai xây dựng là Dự án Tổ hợp khách sạn dịch vụ và thương mại Hoàng Tuấn do Công ty Hoàng Tuấn làm chủ đầu tư, có địa chỉ tại xã Hoằng Tiến, huyện Hoằng Hóa. Theo dự kiến ban đầu, dự án sẽ được khởi công vào tháng 7/2017 và hoàn thành, đưa vào khai thác tháng 12/2019.
![]() |
Sau 3 năm kể từ ngày được cấp phép xây dựng, dự án vẫn là bãi đất hoang. |
Sau một thời gian dài không triển khai xây dựng, đến ngày 16/1/2019, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định cho phép Công ty Hoàng Tuấn chuyển mục đích sử dụng đất và thuê đất để sử dụng vào mục đích xây dựng Tổ hợp khách sạn dịch vụ và thương mại Hoàng Tuấn. Dự án có quy mô gồm 2 khu A và B được triển khai trên diện tích 23.000m2 (khu A khoảng 11.000m2, khu B khoảng 12.000m2) với tổng mức đầu tư của dự án khoảng hơn 177 tỷ đồng.
Ngày 18/1/2019, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành quyết định phê duyệt đánh giá tác động môi trường dự án Tổ hợp khách sạn dịch vụ và thương mại Hoàng Tuấn trên khu vực thực hiện dự án có tổng diện tích khu đất là 21.558,0m2 (tăng hơn 2.000m2 đất so với quyết định mà UBND tỉnh cho Công ty Hoàng Tuấn thuê đất ngày 16/1/2019).
Đến ngày 31/1/2019, UBND huyện Hoằng Hóa đã cấp giấy phép xây dựng số 05/GPXD có hiệu lực 12 tháng kể từ ngày cấp cho Công ty Hoàng Tuấn để xây dựng các hạng mục công trình thuộc dự án Tổ hợp khách sạn dịch vụ và thương mại Hoàng Tuấn tại xã Hoằng Tiến.
Theo ghi nhận của phóng viên vào thời điểm cuối tháng 3/2022 (sau hơn 3 năm kể từ ngày được cấp giấy phép xây dựng), khu đất mà Công ty Hoàng Tuấn thuê vẫn là bãi đất hoang, những hạng mục công trình được cấp phép vẫn chưa được triển khai xây dựng.
![]() |
Đại diện chủ đầu tư cho biết tỉnh Thanh Hóa cấp đất cho đơn vị nhưng lại không có đường vào |
“Đặc biệt nữa là tỉnh Thanh Hóa cấp đất cho chúng tôi nhưng lại không có đường vào nên chúng tôi lại phải giải phóng để lấy đường vào dự án. Dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ phê duyệt thẩm định xong dự toán thiết kế của khách sạn thì công ty sẽ tiến hành triển khai dự án”, ông Nguyễn Duy Nở - Giám đốc Công ty Hoàng Tuấn cho biết.
“Ngay sau khi được cấp đất, chúng tôi đã tiến hành san lấp ngay, bởi trước đó khu vực này toàn là ao hồ. Bên cạnh đó, một phần nguyên nhân khiến cho việc chậm tiến độ dự án là do ảnh hưởng của dịch Covid -19”, ông Nở thông tin thêm.
Tiếp theo trong danh sách những dự án chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phải kể đến dự án khu đô thị Đông Hải, TP. Thanh Hóa. Đây là một trong 12 dự án đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị thanh tra. Năm 2015, dự án này được phê duyệt với tổng diện tích 41,28ha dọc tuyến đường Đại lộ Nam sông Mã thuộc phường Đông Hải, do Liên danh Tổng công ty cổ phần Miền Trung và Công ty cổ phần IDEC Việt Nam là chủ đầu tư dự án.
|
||
Một dự án nữa nằm trong danh sách những khu đất vàng bỏ hoang là dự án khu đô thị mới dọc Đại lộ Nam sông Mã. Dự án này được phê duyệt từ năm 2018 với diện tích lên tới 48ha, nằm tại nút giao giữa Đại lộ Lê Lợi và Đại lộ Nam sông Mã ở phường Đông Hải, TP. Thanh Hóa.
Dự án này do liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng Miền Trung - Công ty cổ phần Xây dựng và lắp máy Trung Nam và Công ty cổ phần Xây dựng phát triển Hòa Bình làm chủ đầu tư.
Theo ghi nhận của phóng viên vào thời điểm cuối tháng 3/2022, dự án hơn 48ha này vẫn là khu đất bị bỏ hoang.
Duy Thế