Trong phiên giao dịch ngày 3/7, tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam (VND) so với USD được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 25.091 đồng/USD, tăng 21 đồng so với phiên giao dịch liền trước.
Cùng xu hướng, giá mua - bán USD tại các ngân hàng thương mại trong phiên 3/7 cũng tăng kịch trần và là mức cao nhất từ trước đến nay.
Cụ thể: Vietcombank nâng giá mua - bán đồng bạc xanh lên mức 25.975 - 26.345 đồng/USD, tức tăng hơn 20 đồng so với hôm 2/7. VietinBank và BIDV cùng áp dụng giá bán ra ở mức kịch trần 26.345 đồng/USD, giá mua vào lần lượt ở mức 25.965 đồng/USD và 26.005 đồng/USD.
Tại nhóm nhà băng tư nhân, HDBank niêm yết ở mức 25.930 - 26.345 đồng/USD. So với phiên giao dịch liền trước, tỷ giá quy đổi tại ngân hàng này đã tăng tới 60 đồng ở chiều mua và tăng 25 đồng ở chiều bán.
Nhiều ngân hàng thương mại tư nhân cũng duy trì xu hướng tăng giá bán đồng USD lên mức kịch trần được NHNN cho phép. Như tại Techcombank, ACB, SHB, MBBank, Eximbank, HSBC, Sacombank, OCB, tỷ giá USD đều đang cao hơn 20-25 đồng so với giá giao dịch hôm qua.
So với đầu tuần, giá USD tại các ngân hàng thương mại đã tăng tới 45 đồng, tương ứng mức tăng ròng gần 0,2%.
![]() |
So với đầu tuần, giá USD tại các ngân hàng thương mại đã tăng tới 45 đồng, tương ứng mức tăng ròng gần 0,2%. |
Cùng thời điểm, giá USD trên thị trường tự do ở các điểm thu đổi ngoại tệ tại Hà Nội giao dịch phổ biến ở mức 26.370 - 26.470 đồng/USD (mua - bán), tức giảm 20 đồng ở chiều mua nhưng tăng 20 đồng ở chiều bán so với giá chốt phiên hôm qua.
Nhìn nhận diễn biến tỷ giá thời gian qua, bà Bùi Thị Thao Ly, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Công ty Chứng khoán Shinhan Việt Nam (SSV) cho hay, lạm phát, tỷ giá tăng gây khó khăn cho việc duy trì môi trường lãi suất thấp. Tỷ giá hiện chịu nhiều sức ép khi giá USD trong nước tăng, bất chấp USD Index giảm hơn 10% từ đầu năm đến nay. Áp lực tỷ giá chủ yếu đến từ nhu cầu USD tăng mạnh mang tính mùa vụ cuối năm (thường rơi vào quý III và IV hàng năm).
Trước thời điểm các chính sách thuế quan mới dự kiến có hiệu lực, hoạt động xuất nhập khẩu ghi nhận sự gia tăng đột biến. Trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu tăng 14%, trong khi nhập khẩu tăng tới 17%, khiến cán cân thương mại chuyển sang nhập siêu. Diễn biến này dẫn đến nhu cầu tích trữ USD tăng vọt từ phía doanh nghiệp, góp phần lý giải việc tỷ giá trong nước diễn biến ngược chiều thế giới.
Áp lực tỷ giá tăng, song cơ quan quản lý khẳng định tỷ giá và thị trường ngoại hối vẫn rất thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp xuất khẩu với chính quyền TP. Hồ Chí Minh về lĩnh vực ngân hàng diễn ra mới đây, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN Khu vực II nhận xét, 6 tháng đầu năm, kinh tế vẫn ổn định, tỷ giá, thị trường ngoại hối tương đối ổn, lãi suất thấp hỗ trợ cho hoạt động của doanh nghiệp nhiều.
"Đây là những vấn đề có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi chỉ ổn định kinh tế vĩ mô thì mới có thể đảm bảo tăng trưởng. Đồng thời, chỉ ổn định kinh tế vĩ mô thì các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói riêng mới có thể phát triển", ông Lệnh nhấn mạnh.
Theo đại diện NHNN Khu vực II, việc lĩnh vực xuất khẩu có mức độ tăng trưởng tốt là do cơ chế chính sách tiền tệ, tín dụng, tỷ giá ngoại hối cơ bản được điều hành ổn định. Mặc dù vấn đề diễn biến tỷ giá vẫn có sự lên xuống bởi ảnh hưởng trực tiếp về tình hình biến động kinh tế trên thế giới, song nhìn chung, tỷ giá và thị trường ngoại hối vẫn rất thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Ông Paulo Medas, chuyên gia của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cho rằng chính sách tiền tệ của Việt Nam có dư địa hạn chế hơn rất nhiều, nên khuyến nghị kiên định tập trung vào neo giữ kỳ vọng lạm phát. Việc cho phép tỷ giá biến động linh hoạt sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng khi nền kinh tế điều chỉnh để thích ứng với cú sốc từ bên ngoài. Đồng thời có thể cân nhắc nới lỏng tiền tệ ở mức độ nào đó trong trường hợp lãi suất toàn cầu giảm như dự kiến và lạm phát giảm.
Hơn nữa, ông Paulo Medas khuyến nghị, để tăng cường khả năng chống chịu cho hệ thống ngân hàng, cần ưu tiên củng cố giám sát ngân hàng, xây dựng các đệm vốn và thanh khoản và cải thiện hơn nữa khuôn khổ xử lý ngân hàng yếu kém.
Ngân hàng UOB dự báo, VND sẽ tiếp tục dao động ở vùng giá yếu trong biên độ giao dịch với USD đến hết quý III/2025. Tuy nhiên, từ quý IV/2025 trở đi, VND có thể bắt đầu lấy lại đà phục hồi, hòa nhịp cùng xu hướng cải thiện chung của các đồng tiền châu Á khi bất ổn thương mại dần lắng dịu. Tỷ giá VND/USD sẽ ở mức 26.300 VND/USD trong quý III/2025, 26.100 VND/USD trong quý IV/2025, 25.900 VND/USD trong quý I/2026 và 25.700 VND/USD trong quý II/2026.
Thanh Hoa