![]() |
Tỷ giá USD/VND sẽ có nhiều biến động hơn trong 6 tháng cuối năm. (Ảnh: Int) |
Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối và thị trường vốn, HSBC Việt Nam đánh giá, 6 tháng đầu năm nay, đồng USD trên thị trường thế giới tăng trở lại, các đồng tiền trong khu vực châu Á chịu áp lực suy yếu tương ứng và đồng Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, tỷ giá USD/VND đa phần giao dịch trong biên độ 23.010 - 23.100 với xu hướng thiên về tiền đồng tăng giá.
Trong báo cáo phát hành mới nhất về diễn biến của tỷ giá, theo các chuyên gia đến từ SSI Research, cho biết trong 6 tháng đầu năm 2021, VND đã lên giá 0,4% so với USD trong khi hầu hết các đồng tiền trong khu vực đều giảm giá (THB giảm 6,9%; INR giảm 1,7%; SGD giảm 1,8%; PHP giảm 1,6%...).
Tỷ giá USD/VND niêm yết của các ngân hàng thương mại hiện đang đi ngang, duy trì ở mức 22.900/23.100. Trong khi đó, tỷ giá tự do hiện đang giao động quanh mức 23.300/23.340.
Nhận định về xu hướng tỷ giá VND/USD trong những tháng cuối năm, các chuyên gia cho rằng vẫn duy trì ổn định. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng không bỏ ngỏ khả năng VND chịu áp lực mất giá trở lại, với mức dự báo 23.100 vào cuối năm nay.
Trong một báo cáo, Hội Nghiên cứu Thị trường liên ngân hàng Việt Nam (VIRA) dự báo, tỷ giá USD/VND được kỳ vọng sẽ tiếp tục ổn định, bất chấp điểm hoán đổi lãi suất VND/USD trên liên ngân hàng dự báo sẽ thu hẹp.
Các yếu tố hỗ trợ bao gồm dòng vốn vào vẫn lấn át dòng ra; cung ngoại tệ theo đó tiếp tục thuận lợi và tỷ giá ổn định.
Trong khi đó, công ty Chứng khoán Mirae Asset (MASVN) cho rằng, tỷ giá USD/VND được kỳ vọng duy trì ổn định nhờ vào 5 yếu tố: cán cân thương mại dần quay lại mức thặng dư khi xuất khẩu tăng tốc trở lại; dòng vốn FDI tiếp tục tích cực nhờ làn sóng dịch chuyển sản xuất toàn cầu; cơ chế điều tiết cung cầu ngoại tệ linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước; đồng USD dự báo sẽ không mạnh lên do các gói kích thích kinh tế quy mô lớn và chính sách hỗ trợ nền kinh tế của FED và cuối cùng là giữa tháng 4/2021, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước thao túng tiền tệ, điều này sẽ làm giảm áp lực lên tỷ giá VND/USD.
"Chúng tôi vẫn giữ kỳ vọng VND sẽ tăng giá trong biên độ quanh 0,5% so với USD trong năm 2021", công ty MASVN đưa ra dự báo.
Ngược lại, Giám đốc HSBC Việt Nam thì cho rằng mặc dù trong hầu hết thời gian 6 tháng đầu năm 2021, tỷ giá USD/VND đa phần giao dịch trong biên độ 23.010 - 23.100 với xu hướng thiên về VND tăng giá, nhưng dường như tình hình có xu hướng đảo ngược sau kỳ họp gần nhất của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tái khẳng định vấn đề lạm phát leo thang ở Mỹ có thể chỉ là tạm thời và ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế.
Trong động thái mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp tục mua vào lượng lớn ngoại tệ qua nghiệp vụ kỳ hạn, trước khi quyết định hạ giá mua 150 đồng xuống 22.975 VND vào tuần đầu tháng 6, cho thấy dư địa để VND có thể tăng giá thêm trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, chuyên gia này nhìn về trung và dài hạn, đặc biệt từ nay đến cuối năm, vẫn không bỏ ngỏ khả năng VND chịu áp lực mất giá trở lại, với mức dự báo 23.100 vào cuối năm nay. Nguyên nhân do cán cân thương mại chuyển sang nhập siêu, mối lo về giá cả hàng hóa cao hơn cùng khả năng lãi suất Mỹ bước vào chu kỳ tăng trở lại.
"Nhìn chung, có một điều khá chắc chắn rằng tỷ giá USD/VND sẽ khó duy trì được xu hướng bình ổn như đã từng trải qua trong 6 tháng cùng kỳ 2020, thay vào đó sẽ có nhiều biến động hơn trong 6 tháng cuối năm, đến từ biến động trên thị trường quốc tế, đặc biệt là các động thái của Fed trong những tháng tiếp theo, cũng như những rủi ro nội tại mà Covid-19 tạo ra", ông Ngô Đăng Khoa nhấn mạnh.
Hoàng Hà