Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định: "Chính phủ đã bàn rất kỹ giải pháp cụ thể, các chính sách ưu đãi lớn sẽ được thiết kế để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp".
Theo số liệu thống kê từ cơ quan thuế, cả nước có hơn 1,5 triệu hộ kinh doanh nộp thuế theo hình thức khoán. Mức thuế khoán trung bình mỗi hộ chỉ khoảng 670.000 đồng/tháng. Trong khi đó, các hộ tự kê khai, dù cùng quy mô lại nộp trung bình tới 4,6 triệu đồng/tháng.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế cho biết: "Vẫn còn tình trạng nhiều cửa hàng bán thuốc, phòng khám tư nhân, spa... có doanh thu khá lớn, thậm chí một cá nhân kinh doanh dịch vụ có thể thu về hàng trăm triệu đồng mỗi ngày nhưng chỉ đóng thuế vài triệu đồng. Điều này cho thấy việc xác định doanh thu tính thuế vẫn chưa phản ánh đúng thực tế, dẫn đến sự thiếu công bằng và thất thu ngân sách nhà nước, tạo ra sự thiếu minh bạch và bất công với các hộ kinh doanh tuân thủ nghiêm túc".
Từ những bất cập này, tại Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân, Bộ Chính trị đặt mục tiêu chậm nhất đến năm 2026 sẽ bỏ thuế khoán với hộ kinh doanh. Các chuyên gia đánh giá, bỏ thuế khoán, áp dụng thuế kê khai sẽ khuyến khích hộ kinh doanh lớn lên, phát triển thành doanh nghiệp. Quan trọng hơn, thực hiện thuế kê khai góp phần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch giữa các thành phần kinh tế.
![]() |
Hộ kinh doanh mong khi hết thuế khoán, chính sách thuế mới sẽ đơn giản và dễ áp dụng |
Tuy nhiên, nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ bày tỏ băn khoăn cách tính thuế mới sẽ tăng cao, phát sinh thêm nhiều chi phí về nhân lực kế toán, đầu tư thiết bị kết nối với ngành thuế… ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Chị Hương Thuỷ (Thanh Hoá) cho hay gia đình chị kinh doanh đặc sản quê, vừa bán online vừa bán tại nhà, với số tiền thuế khoán hơn 1 triệu đồng/tháng nên việc nộp thuế cũng rất đơn giản. “Nếu áp dụng cách tính thuế mới bắt buộc gia đình tôi phải thuê nhân viên kế toán, đầu tư máy xuất hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế. Đặc biệt, nguy cơ bị thanh kiểm tra, xử phạt nếu không may kê khai sai thuế”, chị Thuỷ lo lắng.
Giải trình tại Quốc hội về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân ngày 16/5, trước về những lo ngại rằng bỏ thuế khoán với hộ kinh doanh có thể tạo gánh nặng tuân thủ trong kê khai, đăng ký thuế…, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định, chính sách bỏ thuế khoán với hộ kinh doanh từ 1/1/2026 là chủ trương đúng đắn, tạo bình đẳng, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp.
Hiện, chính sách này đang được thí điểm tại một số địa bàn và đạt hiệu quả, cần được chính thức triển khai sớm. Bộ Tài chính đang chỉ đạo cơ quan thuế hướng dẫn các hộ kinh doanh đăng ký, kê khai thuế, tăng ứng dụng công nghệ để giảm gánh nặng chi phí, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi.
Đứng ở góc độ chuyên gia tư vấn thuế, ông Nguyễn Văn Được, Tổng giám đốc Công ty TNHH dịch vụ tư vấn thuế Trọng Tín cho rằng, hộ kinh doanh không nên quá lo lắng. Cần phải hiểu kê khai ở đây không phải là kê khai theo Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) giống với tổ chức, doanh nghiệp mà chỉ là thực hiện đầy đủ hóa đơn, chứng từ và chế độ kế toán đơn giản.
“Trước đây, hộ kinh doanh áp dụng thuế khoán nghĩa là lấy doanh thu khoán nhân với tỷ lệ quy định, không quan tâm đến kinh doanh lớn hay nhỏ, lãi hay thua lỗ. Còn quy định kê khai thuế ở đây, đơn giản là doanh thu kê khai, số thu thực tế bán hàng và cũng nhân với tỷ lệ quy định. Nộp thuế theo kê khai tức là doanh thu cao phải nộp thuế cao, thấp thì nộp thấp mới đúng về bản chất của nghĩa vụ thuế”, ông Được phân tích.
Tại Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân của Bộ Chính trị, mục tiêu đến năm 2030, cả nước có 2 triệu doanh nghiệp, tức là tăng thêm hơn 1 triệu doanh nghiệp so với hiện nay. Các chuyên gia cho rằng, việc bỏ thuế khoán cũng là cách để 5,2 triệu hộ kinh doanh "lên đời" doanh nghiệp. Tuy nhiên, để làm được điều này cần xoá bỏ tâm lý e ngại, lo lắng gánh nặng chi phí tuân thủ lớn bằng cơ chế ưu đãi đặc biệt, vượt trội, nhất là cơ chế thuế.
Trao đổi với VnBusiness, GS.TS Hoàng Văn Cường (Ủy viên Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội) chia sẻ, lâu nay hộ kinh doanh không chịu lớn thành doanh nghiệp là bởi lo chi phí tuân thủ thuế. Với doanh nghiệp lớn, họ có một phòng kế toán để làm thuế, nhưng với hộ kinh doanh doanh thu chỉ vài trăm triệu, nếu phải tuyển bộ phận kế toán để kê khai thuế - chi phí đó chiếm tỷ trọng cực lớn trong tổng doanh thu. Chính sự bất cân xứng này là một trong những bức tường vô hình ngăn hộ kinh doanh cá thể chuyển lên doanh nghiệp.
Trong thực tế, nhiều hộ kinh doanh không ngại nộp thuế nhưng ngại thủ tục rườm rà, chi phí phát sinh và rủi ro xử phạt hành chính. “Cần phải đơn giản hoá hệ thống thuế, xoá bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, giảm phiền hà, sách nhiễu cho người dân và doanh nghiệp. Hỗ trợ các hộ kinh doanh trong quá trình chuyển đổi từ thuế khoán sang thuế kê khai. Có như vậy, hộ kinh doanh mới sẵn sàng “lớn lên” thành doanh nghiệp”, ông Cường nói.
Một số chuyên gia khác cho rằng việc ứng dụng công nghệ số được xem là giải pháp thiết yếu, cùng với xây dựng và cung cấp phần mềm miễn phí, công cụ hỗ trợ kê khai một cách đơn giản, dễ sử dụng, phù hợp với những người không chuyên về kế toán hay công nghệ để họ có thể dễ dàng nhập dữ liệu liên quan đến doanh thu, chi phí, hàng hóa mua vào, bán ra… Bởi chỉ khi việc tuân thủ được thực hiện dễ dàng, thuận tiện mới tạo được tâm lý thoải mái, tích cực và hành động chủ động từ các hộ kinh doanh.
Theo bà Cúc, cần xây dựng phần mềm hỗ trợ kê khai đơn giản, dễ dùng, phù hợp với những người không chuyên về kế toán hay công nghệ. Các hộ có thể dễ dàng nhập doanh thu, chi phí, hàng hóa mua vào, bán ra mà không gặp khó khăn quá lớn. Bởi việc chuyển từ thuế khoán sang kê khai khiến nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ gặp không ít bỡ ngỡ.
"Nhà nước có thể dành một khoảng thời gian chuyển tiếp từ 6 tháng đến 1 năm để các hộ kinh doanh làm quen với phương pháp mới, trong thời gian đó, Nhà nước nên cung cấp các phần mềm, công cụ hỗ trợ một cách miễn phí. Điều này không chỉ giúp họ dễ tiếp cận, mà còn tạo ra tâm lý tích cực, chủ động chuyển đổi", bà Cúc khuyến nghị.
Nghị định số 70/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP về hóa đơn, chứng từ có hiệu lực từ ngày 1/6/2025, khoảng 37.000 hộ kinh doanh trên cả nước có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm trở lên sẽ kết thúc thuế khoán, chuyển sang kê khai thuế, sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. |
Thanh Hoa