![]() |
Giá cước taxi công nghệ tăng mạnh khiến nhiều người tiêu dùng e dè khi đặt xe. (Ảnh minh họa: Int) |
Chị Nguyễn Thu Giang (Linh Đàm, Hà Nội) cho biết, trước đây, chị đi từ đường Linh Đường (quận Hoàng Mai) đến đường Dương Đình Nghệ (Cầu Giấy) cự ly hơn 8km với giá GrabCar 80.000 đồng. Tuy nhiên, từ ngày 5/12, bật app lên thì giá tới 95.000 đồng.
Đủ loại phí "bao vây" khách hàng
"Tôi khá bất ngờ với việc tăng giá của Grab. Đủ loại thuế phí cho chuyến xe, thậm chí trừ thẳng vào tiền ví điện tử mà tôi không hề biết. Mỗi cuốc xe taxi, tôi phải tốn 3.000 đồng khoản phí nền tảng mà không hiển thị cho khách biết", chị Giang nói.
Theo tìm hiểu, giá cước tối thiểu của GrabCar tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã tăng thêm 2.000 đồng. Cụ thể, tại Hà Nội, cước xe từ 25.000 đồng lên 27.000 đồng cho 2km đầu và tăng thêm 1.000 đồng (từ 8.500 đồng lên 9.500 đồng cho mỗi km tiếp theo). Tại TP Hồ Chí Minh, giá cước từ 25.000 đồng lên 27.000 đồng cho 2km đầu và tăng thêm 500 đồng cho mỗi km tiếp theo.
Bên cạnh đó, giá cước các dịch vụ xe hai bánh cũng đồng loạt tăng lên kể từ đầu tháng 12 như tại TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Cần Thơ… giá cước tăng từ 3.400 đồng lên cùng mức 4.000 đồng... Mức giá này chưa bao gồm phí sử dụng ứng dụng và phí đơn hàng nhỏ mà Grab quy định thu.
Không chỉ tăng giá dịch vụ, khách hàng cũng ở "cửa dưới" với hàng loạt phụ phí mà hãng xe công nghệ đang áp dụng. Cụ thể, thời gian tính phụ phí của Grab từ 11h tối đến 6h sáng là 10.000 đồng/cuốc xe. Chưa kể khách sẽ bị trừ 3.000 - 10.000 đồng nếu đến điểm đặt xe muộn quá 5 phút. Các loại phí nền tảng mà Grab, Be, Gojek áp dụng từ 1.000 - 3.000 đồng/cuốc xe.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, hiện nay, các ứng dụng gọi xe đang cạnh tranh khốc liệt để lấy thị phần, cách hỗ trợ tốt cho khách hàng hiện nay vẫn là giá hợp lý, thêm khuyến mãi phù hợp với mức chi tiêu của đa số khách hàng.
Thực tế, những ngày đầu “thâm nhập” vào thị trường Việt Nam, Grab cũng dùng chính sách trên để tạo lợi thế cạnh tranh với taxi truyền thống. Chỉ trong vài năm có mặt tại thị trường Việt Nam, Grab đã tạo ra trào lưu đi xe công nghệ giá rẻ cho người dùng do kết nối tài xế và hành khách có nhu cầu thông qua ứng dụng, các doanh nghiệp này không phải chịu nhiều chi phí như mô hình của taxi truyền thống. Phần chi phí tiết kiệm này được giảm trực tiếp vào giá thành, khiến người tiêu dùng có được mức giá tốt nhất.
Ngoài ra, ứng dụng này liên tục tung ra các chương trình khuyến mãi giảm từ 20-50% cước xe cho khách hàng.
Hệ quả được báo trước
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định “thời hoàng kim” của taxi công nghệ - giai đoạn người tiêu dùng được hưởng một dịch vụ hoàn toàn mới với giá thành rẻ, đã không còn nữa.
“Việc giá cước taxi công nghệ tăng cao bằng, thậm chí hơn taxi truyền thống hiện nay chính là hệ quả đã được báo trước”, ông Long cho hay.
Cụ thể, Nghị định 10/2020 do Chính phủ ban hành có hiệu lực từ ngày 1/4 thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô đã xóa bỏ hết những ưu thế cạnh tranh của mô hình kinh tế chia sẻ này. Grab phải xin giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô, tức là trở thành một doanh nghiệp vận tải giống như Vinasun, Mai Linh taxi, thay vì một doanh nghiệp công nghệ.
Mới đây, Nghị định 126 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế chính thức có hiệu lực từ ngày 5/12. Theo đó, Grab phải đóng thuế giá trị gia tăng (GTGT) 10% như các hãng taxi truyền thống.
Grab cho rằng quy định này chính là lý do khiến hãng xe tăng giá cước, tăng mức chiết khấu đối với tài xế.
Không đồng tình với quyết định của Grab, hàng loạt tài xế đã phản đối, nhiều khách hàng đã “tẩy chay” sử dụng ứng dụng này.
Trước sức nóng của dư luận, mới đây, Tổng cục Thuế đã chính thức có giải trình cho rằng do trong thời gian qua chưa có hướng dẫn cụ thể về chính sách thuế đối với mô hình hợp tác kinh doanh với cá nhân nên dẫn đến việc thực hiện khai thuế đối với mô hình Grab không thống nhất, không đúng quy định.
Nghị định 126 của Chính phủ là văn bản hướng dẫn về quản lý thuế nên chỉ quy định rõ hơn về việc khai thuế đối với mô hình hợp tác kinh doanh với cá nhân, không phải quy định mới về chính sách thuế GTGT. Nghĩa là chính sách thuế GTGT đối với hoạt động vận tải công cộng không thay đổi, vẫn áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% như từ trước đến nay.
“Như vậy, quy định mới tại Nghị định 126 không làm tăng nghĩa vụ của cá nhân tài xế (tài xế chỉ chịu thuế thu nhập cá nhân 1,5% nếu có doanh thu trên 100 triệu đồng), không làm tăng giá cước vận tải (do chính sách thuế GTGT 10% đối với vận tải không thay đổi mà vẫn áp dụng từ trước đến nay). Do đó, Grab phải có trách nhiệm điều chỉnh lại cơ cấu giá tính thuế để đảm bảo không ảnh hưởng đến người tiêu dùng cũng như thu nhập của tài xế”, đại diện Tổng cục Thuế cho biết.
Thanh Hoa