Chính vì vậy, tại lễ khánh thánh Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 1 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị để giải quyết các vấn đề của dự án NMNĐ Thái Bình 2 với mục tiêu là hoàn thành vào năm 2020, qua đó hoàn thành Trung tâm Nhiệt điện Thái Bình.
Cụ thể hóa chủ trương
Đây có thể xem là hạn chót mà Chính phủ đặt ra đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong việc triển khai Dự án NMNĐ Thái Bình 2. Nhưng rõ ràng, để cụ thể hoá chủ trương này, một mình PVN không thể giải quyết được do rất nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là vấn đề tài chính cho các hạng mục còn lại.
Từ tháng 9/2018, các ngân hàng đã tạm ngừng giải ngân nguồn vốn vay nên dự án bị thiếu vốn. PVN đã chủ động bù đắp sự thiếu hụt từ nguồn vốn chủ sở hữu nhưng cũng chỉ là tạm thời và mang tính “nhỏ giọt”.
Với tinh thần đó, để xử lý các vấn đề tồn tại của NMNĐ Thái Bình 2, có thể hình dung ra hai kịch bản như sau: Thứ nhất là tiến hành đánh giá lại hiệu quả dự án làm căn cứ xem xét bổ sung nguồn tài chính triển khai dự án. Thứ hai là khơi nguồn tài chính, có cơ chế kiểm soát chặt chẽ về tài chính để dự án về đích phát điện phục vụ đất nước.
Với phương án thứ nhất, có thể thấy, Dự án NMNĐ Thái Bình 2 sẽ lại rơi vào tình huống lưỡng nan, “khó hẹn ngày về”, bởi để tiến hành đánh giá lại hiệu quả dự án sẽ mất rất nhiều thời gian. Việc kéo dài dự án khiến các chi phí quản lý, khấu hao, trả lãi ngân hàng… tăng cao.
Điều này sẽ dẫn tới sự lãng phí nghiêm trọng bởi với 32.000 tỷ đồng đã đầu tư (đến thời điểm hiện tại gồm cả vốn vay và vốn chủ sở hữu), mỗi ngày chi phí vốn khoảng 6 tỷ đồng tiền lãi; mặt khác, tài sản đã đầu tư mà không hoàn thành Nhà máy thì ngày càng mất giá trị và không có hy vọng thu hồi vốn gốc.
Với kịch bản thứ hai, cơ hội để dự án NMNĐ Thái Bình 2 sớm hoàn thành, có thể thu hồi vốn đầu tư là khá rõ. Chẳng hạn, nếu giờ bỏ thêm 2,5 nghìn tỷ đồng để hoàn thành khoảng 17% khối lượng công việc còn lại, đưa nhà máy vào vận hành, lợi ích mang lại rất rõ ràng.
Đó là hệ thống điện quốc gia sẽ được bổ sung 7,2 tỷ kWh điện mỗi năm, qua đó làm giảm nguy cơ thiếu điện. Mặt khác, dự án hoạt động sẽ tạo doanh thu để từ đó, chủ đầu tư thực hiện các nghĩa vụ tài chính với các tổ chức tài trợ vốn cho dự án, đóng góp lớn vào ngân sách và tạo hàng nghìn việc làm cho người dân địa phương…
![]() |
Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 |
Nỗ lực và mong chờ
Được biết, thời gian qua, nhận thức được tầm quan trọng của NMNĐ Thái Bình 2, toàn bộ hệ thống chính trị của PVN đã nỗ lực vào cuộc với mục đích đẩy nhanh tiến độ dự án.
Lãnh đạo và người lao động PVN đã nỗ lực tháo gỡ khó khăn, đối thoại và gặp gỡ trực tiếp với các nhà thầu xây dựng dự án để tìm ra phương án cụ thể giải quyết các vấn đề liên quan như công nợ của các nhà thầu về vật tư, nhân công.
Đặc biệt, PVN đã phối hợp với lãnh đạo tỉnh Thái Bình tuyên truyền, ổn định tư tưởng của người dân trong và quanh khu vực dự án. Dự án chính là sự mong chờ khắc khoải của người dân địa phương, nhất là người dân huyện Thái Thụy, những người đã hy sinh đất đai, nhà cửa để xây dựng Trung tâm Điện lực Thái Bình, nguồn điện quan trọng cho phát triển kinh tế vùng Duyên hải Bắc bộ.
Có thể thấy rằng sự cấp bách về nguồn điện phát triển kinh tế quốc gia, nỗ lực của những người dầu khí chân chính, sự mong đợi từng ngày của chính quyền và nhân dân Thái Bình… vẫn chưa thể khiến dự án NMNĐ Thái Bình 2 bước thêm một bước cuối cùng để về đích bởi những khó khăn vướng mắc xuất phát từ cơ chế, thuộc thẩm quyền xử lý của các Bộ ngành, Chính phủ.
Tín hiệu tích cực là Thường trực Chính phủ đã họp bàn riêng về dự án NMNĐ Thái Bình 2 và đã có kết luận để tháo gỡ các khó khăn, nhưng văn bản cuối cùng về “số phận” của NMNĐ trên quê lúa vẫn đang được chủ đầu tư và các nhà thầu thi công mong chờ.
P.V