Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), giai đoạn từ năm 2021-2025, khả năng thiếu điện tại miền Nam tăng cao với mức thiếu hụt tăng từ 3,7 tỷ kWh (năm 2021) lên gần 10 tỷ kWh (năm 2022), vào năm 2023 thiếu hụt khoảng 12 tỷ kWh.
Quá nhiều rào cản
Trong khi đó, ngành điện gặp khó khăn trong việc cân bằng cung cầu đến năm 2030, nhiều nguồn điện (IPP) không đáp ứng tiến độ, khó khăn trong đảm bảo nguồn nhiên liệu cho phát điện, tập trung mật độ lớn nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) tại một số khu vực, gây quá tải lưới điện truyền tải…
Riêng về phát triển NLTT, theo bà Phạm Hương Giang, Phó Trưởng phòng NLTT (Bộ Công Thương), thủy điện nhỏ có tiềm năng là 7.500MW, đã vận hành 2.894MW; điện mặt trời: 4-5 kWh/m2, đã vận hành 4MW; điện gió: hơn 20.000MW, đã vận hành 190MW; điện sinh khối: 3.000MW, đã vận hành 212MW; điện rác: 320MW, đã vận hành 5MW…
Liên quan tới một số khó khăn khi phát triển các dạng NLTT, bà Giang cho biết như điện sinh khối, ngoài dự án phát triển điện từ bã mía gần như chưa có nguồn nào khác. Nguyên nhân là do một số khó khăn về nguồn nguyên liệu, cơ chế giá chưa hấp dẫn.
Hay điện rác dù đã có cơ chế chính sách nhưng số dự án thực hiện rất ít, chưa phát triển do một số bất cập liên quan tới quản lý rác tại các tỉnh. Với điện gió, con số dự án hiện nay cũng khá khiêm tốn so với tiềm năng.
Ngoài ra, việc phát triển các dự án điện mặt trời áp mái cũng đang gặp phải khá nhiều khó khăn. EVN cho biết, các đơn vị điện lực chưa thể ký kết hợp đồng mua bán điện với khách hàng do chưa có hướng dẫn chính thức về cách thức thanh quyết toán tiền điện cho khách hàng.
Chi phí thiết bị và chi phí lắp đặt điện mặt trời áp mái vẫn còn cao nên chưa khuyến khích khách hàng đầu tư, lắp đặt…
Ở góc độ nhà đầu tư, theo ông Nguyễn Văn Quang, Giám đốc công ty ROQ Asociates Pte Ltd (Singapore), nhận thấy việc phát triển NLTT ở Việt Nam có nhiều tiềm năng, doanh nghiệp (DN) này đã hợp tác với đối tác của Singapore và Đức dự định phát triển dự án điện gió với công suất 1.500MW tại Việt Nam, nhưng công cuộc đầu tư không hề dễ dàng.
Đơn cử như tại tỉnh Ninh Thuận, khả năng truyền tải điện rất thấp, trong khi sản lượng NLTT rất lớn. Hiện, tiềm năng sản lượng NLTT khoảng 2.000MW song khả năng truyền tải chỉ khoảng 700-800MW, dẫn tới hậu quả có khá nhiều nhà máy sẽ không có cơ hội phát điện thường xuyên vào hệ thống quốc gia.
Vì vậy, sau quá trình tìm hiểu, DN này vẫn đang nghiên cứu địa phương nào ở Việt Nam vừa đảm bảo tiềm năng phát triển, vừa không bị hạn chế phát vào hệ thống điện. Thậm chí, DN cũng đang tính tới nghiên cứu tìm một phương án đầu tư để nâng cấp mạng lưới truyền tải điện của Việt Nam.
Bên cạnh đó, ông Quang cũng liệt ra một loạt khó khăn mà nhà đầu tư đang gặp phải khi phát triển các dự án NLTT ở Việt Nam, như: hợp đồng mua bán điện không được Ngân hàng Thế giới chấp nhận; không có nhiều ngân hàng nước ngoài cho vay dự án NLTT tại Việt Nam, lượng tiền của ngân hàng Việt Nam cho dự án NLTT quá ít.
![]() |
Năng lượng tái tạo chưa phát triển tương xứng với tiềm năng |
Hoàn thành vượt mức mục tiêu
Chưa kể, nhiều nhà đầu tư chỉ xin phép phát triển dự án NLTT với ý đồ bán lại dự án chứ không nhằm mục đích đầu tư phát triển lâu dài. Điều này dẫn tới nghịch lý là một mặt nhà đầu tư cảm thấy khó xin phép nhưng mua lại dự án của những nhà phát triển dự án trước đó thì giá quá cao – khoảng 150.000 USD/1MW.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Vượng, hiện tại, tính cả công suất nhà máy thủy điện lớn, NLTT chiếm trên 40% tổng công suất của hệ thống điện. Tuy nhiên, khi loại trừ nhà máy thủy điện lớn, chỉ tính nhà máy thủy điện nhỏ cùng với điện mặt trời, điện gió… thì tỷ trọng NLTT đóng góp chưa đáng kể.
Bên cạnh đó, ông Vượng cho biết Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển điện từ nguồn năng lượng từ sóng biển nhưng nghiên cứu còn hạn chế. Việt Nam đã nhận được các đề xuất từ nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Tuy nhiên những đề xuất này mới tập trung nghiên cứu khả năng áp dụng công nghệ mới để khai thác năng lượng sóng, thủy triều phục vụ cho phát điện nhưng đây mới chỉ là bước đầu, còn đề xuất cụ thể thì chưa có. Bộ Công Thương hy vọng dạng năng lượng rất lớn này sẽ được đưa vào khai thác điện trong thời gian sớm nhất.
Chính phủ hiện đã xây dựng và ban hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đồng thời công bố các tổng sơ đồ phát triển ngành điện cho mỗi giai đoạn 10 năm và có xét đến 10 năm tiếp theo.
Các tổng sơ đồ này được xem xét điều chỉnh 5 năm một để đảm bảo hệ thống điện được phát triển hợp lý, phù hợp với yêu cầu phát triển của nền kinh tế cũng như phù hợp với xu thế của thế giới, đồng thời ban hành nhiều cơ chế khuyến khích phát triển NLTT.
Lãnh đạo Bộ Công Thương tin tưởng, với cơ chế khuyến khích hấp dẫn của Chính phủ, sự tiến bộ của công nghệ điện mặt trời, điện gió, mục tiêu đạt 20% công suất hệ thống NLTT (không kể thủy điện) sẽ được hoàn thành vượt mức.
Bà Aya Yoshida, Trưởng phòng châu Á – Thái Bình Dương và Bộ phận Đối tác, quan hệ năng lượng toàn cầu, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), cho rằng Việt Nam đang ở giai đoạn đầu phát triển NLTT nên Chính phủ cần xây dựng cơ chế phù hợp, giúp giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư vào phát triển các dự án NLTT.
Trong đó, liên quan tới thúc đẩy phát triển điện áp mái tại Việt Nam, EVN đã đề xuất một số kiến nghị để phát triển các dự án tại các tỉnh, thành phố có tiềm năng về bức xạ mặt trời: kiến nghị Chính phủ xem xét cơ chế hỗ trợ các hộ gia đình một phần kinh phí đầu tư ban đầu lắp đặt điện mặt trời áp mái; có cơ chế cho các nhà đầu tư (bên thứ ba) tham gia vào đầu tư.
Đồng thời kiến nghị Bộ Công Thương sớm ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư 16 để EVN và các đơn vị điện lực chính thức ký kết hợp đồng và thanh toán tiền điện cho khách hàng; xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật điện mặt trời áp mái đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả cho khách hàng cũng như hệ thống lưới điện; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời nói chung và điện mặt trời áp mái nói riêng sau ngày 30/6/2019.
"Chúng tôi kiến nghị các nhà tài trợ, ngân hàng, nhà đầu tư, sản xuất, các tổ chức quốc tế và trong nước tham gia sâu rộng vào thị trường điện mặt trời tại Việt Nam, cung cấp các giải pháp, gói dịch vụ hấp dẫn khuyến khích khách hàng đầu tư và sử dụng điện mặt trời áp mái…", đại diện EVN nhấn mạnh.
Lê Thúy