Tại Hội nghị thường niên các nhà kinh tế Việt Nam lần thứ nhất, trong phiên thảo luận về chính sách thuế trong kiểm soát thuốc lá, nhiều ý kiến cho rằng tăng thuế thuốc lá không ảnh hưởng đến ngành công nghiệp thuốc lá, thậm chí thuế thuốc lá cao hơn còn có tác động tích cực đến việc làm trong toàn bộ nền kinh tế.
Đề xuất hai phương án
Chuyên gia kinh tế Đào Thế Sơn, giảng viên trường Đại học Ngoại thương, cho biết hiện nay, mức thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với thuốc lá là 70% (áp dụng từ năm 2016 đến 2018); đến năm 2019 sẽ tăng lên 75%.
Mới đây, Bộ Tài chính đề xuất hai phương án sửa đổi mức thuế TTĐB áp dụng với mặt hàng thuốc lá.
Phương án 1:_áp dụng thu thuế theo phương pháp hỗn hợp (thu theo thuế suất tỷ lệ như hiện nay và thuế suất tuyệt đối) từ năm 2010. Theo đó, bổ sung mức thu thuế tuyệt đối 1.000 đồng mỗi bao thuốc lá 20 điếu và 1.500 đồng một điếu xì gà.
Phương án 2:_tăng thuế suất thuế theo lộ trình, năm 2020 tăng từ 75% lên 80%, năm 2021 tăng lên mức 85%.
Phát biểu tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng mức tăng thuế cần tăng lên ít nhất là 2.000 đồng/ bao 20 điếu, hoặc tăng thuế tuyệt đối thuốc lá tới 5.000 đồng/ bao mới có thể tiến tới giảm tỷ lệ hút xuống 39% theo mục tiêu quốc gia.
Ông Sơn phân tích, hiện nay, tỷ trọng thuế trong giá bán lẻ thuốc lá tại Việt Nam còn khá thấp, chỉ chiếm khoảng 35%, trong khi tỷ trọng này ở Thái Lan và Singapore lần lượt là 73% và 66%. Hơn nữa, thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, mức tăng giá thuốc lá vẫn chưa theo kịp lạm phát và không theo kịp mức tăng thu nhập của người dân.
Theo tính toán, mức đề xuất thuế tuyệt đối 1.000 đồng/bao vào năm 2021 là rất thấp do mới chỉ giúp giảm tỷ lệ hút thuốc đi 1,5% (trong khi cần giảm 6,5%), số lượng người hút thuốc giảm 180.000 người, giảm số lượng tử vong là 90.000 người.
Trong khi đó, khoản thu từ thuế tăng là 3,949 tỷ đồng so với năm 2020. Mức này quá thấp cả về tỷ lệ giảm người hút thuốc lẫn tăng thu ngân sách.
Do vậy, nhóm nghiên cứu của trường Đại học Ngoại thương cho rằng trong phương án 1 của Bộ Tài chính cần quy định như sau: Từ 1/1/2020, bên cạnh biểu thuế theo tỷ lệ hiện hành, bổ sung thuế tuyệt đối với thuốc lá ở mức 2.000 đồng/bao.
![]() |
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc là tác động tích cực đến nền kinh tế, trong khi không ảnh hưởng nhiều đến việc làm trong ngành sản xuất thuốc lá. |
Lợi nhiều cho nền kinh tế
Như vậy, sau khi áp mức thuế này, thuế/giá bán lẻ 1 bao thuốc lá sẽ tăng khoảng 42%, giảm tỷ lệ hút thuốc lên mức 3,0%, số lượng người hút thuốc giảm 586.000 người, số lượng người tử vong do hút thuốc giảm 293.000 người, khoản thu thuế tăng 6.352 tỷ đồng.
Hầu hết các ý kiến tham luận tại hội thảo đều cho rằng để đạt mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc, nên áp dụng mức thuế cụ thể từ 2.000 đồng – 5.000 đồng/gói.
Ông Sơn đề xuất mức thuế tối ưu Việt Nam nên áp dụng là tăng thuế TTĐB ở mức 5.000 đồng/bao thì mới đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc xuống 6,5%, giảm 1,8 triệu người hút thuốc, tránh được tử vong sớm cho 900.000 ca mỗi năm, đồng thời tăng nguồn thu ngân sách cho Nhà nước lên 10.700 tỷ đồng mỗi năm.
Về những lo ngại về việc tăng thuế thuốc lá kịch khung sẽ dẫn đến những tác động tiêu cực như việc làm, buôn lậu, chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Thu Hiền cho rằng thuế thuốc lá cao hơn còn có tác động tích cực đến việc làm trong toàn bộ nền kinh tế.
Dẫn số liệu nghiên cứu của Viện Chính sách công và Quản lý (Đại học Kinh tế Quốc dân) về tác động của tăng thuế lên việc làm và sản lượng của nền kinh tế ở các nước và Việt Nam cho thấy, trong năm 2014 nếu Chính phủ tăng thuế từ mức 65% lên 85% sẽ làm tổng sản lượng của nền kinh tế tăng thêm 0,09% (tương đương 1.979 tỷ đồng) và tổng số việc làm của nền kinh tế tăng thêm 0,12% (tương đương 60.278 việc làm).
Theo tính toán của bà Hiền, nếu áp dụng thuế tỷ lệ 75%, thuế tuyệt đối là 2.000 đồng/bao thuốc lá, tổng số thay đổi việc làm cả nước là 24.473 người, riêng ngành sản xuất thuốc lá giảm 121 lao động. Còn áp thuế tỷ lệ 80%, thuế tuyệt đối là 5.000 đồng/bao thuốc lá, tổng số thay đổi việc làm quốc gia là 33.831 lao động và thay đổi việc làm trong ngành sản xuất thuốc lá giảm 593 lao động.
"Số lao động này chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng số lao động của ngành thuốc lá. Vì thế nếu cần thiết thì có thể hỗ trợ về đào tạo lại để họ có thể thích nghi với những việc làm trong các ngành khác", bà Hiền nói.
Ngoài ra, ông Sơn cho rằng khi đánh thuế tuyệt đối sẽ giảm được việc chuyển giá trốn thuế chứ không phải gây ra tình trạng buôn lậu thuốc lá.
Thanh Hoa