![]() |
Giá cà phê đi ngang vì giao dịch chậm. |
Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng), cà phê được thu mua với mức 127.800 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk), giá cà phê ở mức 128.000 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo, Buôn Hồ (Đắk Lắk), cà phê được thu mua cùng mức 128.000 đồng/kg.
Tương tự, tại tỉnh Đắk Nông, cà phê thu mua ở mức 128.200 đồng/kg; tại Gia Nghĩa và ở Đắk R'lấp là 128.100 đồng/kg.
Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê ở mức 128.000 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và Ia Grai cùng giá 128.000 đồng/kg. Còn cà phê tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 128.000 đồng/kg.
Giá cà phê trong nước những ngày gần đây không vượt nổi ngưỡng 129.000 đồng/kg trong khi kỳ vọng của người dân là mức trên 130.000 đồng/kg. Nguyên nhân là các giao dịch vẫn diễn ra chậm do cả người bán và người mua đều đang thăm dò xu hướng thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, nhiều thông tin cho thấy nguồn cung cải thiện khi Brazil vào mùa thu hoạch cà phê Robusta mới và nhiều nước xuất khẩu cà phê khác cũng công bố thống kê cho thấy sản lượng tăng.
Giá cà phê có xu hướng giảm từ tháng 5 hằng năm là một quy luật về cung – cầu diễn ra trong nhiều năm qua. Trong khi đó, xuất khẩu cà phê trong tháng 4 của Việt Nam tăng mạnh, bổ sung lượng hàng dự trữ cho các nhà rang xay trên thế giới.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, 4 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê của Việt Nam tiếp tục đạt kết quả ấn tượng khi có đơn giá bình quân đạt gần 5.700 USD/tấn (tính cả cà phê chế biến), tăng 67,5% so với cùng kỳ năm 2024.
Về thị trường, Đức, Ý và Tây Ban Nha là 3 thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt là 16,9%, 8,4% và 7,3%.
Tính đến quý I/2025, xuất khẩu cà phê sang thị trường Đức tăng 2,1 lần; Ý tăng 20%; Tây Ban Nha tăng 36,1%.
Các chuyên gia nhận định, giá cà phê trong nước nhiều khả năng sẽ tiếp tục tích lũy quanh vùng 128.000 – 129.000 đồng/kg trong những ngày tới, trừ khi có cú hích từ thị trường quốc tế.
Tỷ giá USD/VND, chính sách xuất khẩu của các nước sản xuất lớn, cùng yếu tố thời tiết tại Nam Mỹ – đặc biệt là Brazil – sẽ tiếp tục là những biến số chính ảnh hưởng đến xu hướng giá cà phê trong ngắn hạn.
Trong bối cảnh tồn kho nội địa còn thấp và tâm lý găm hàng vẫn chiếm ưu thế, giá cà phê được kỳ vọng sẽ duy trì mặt bằng cao, có thể bứt phá nếu xuất hiện tin tức hỗ trợ mạnh.
Trong khi thị trường trong nước ổn định, thị trường cà phê thế giới đang có những tín hiệu trái chiều. Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 7 trên sàn New York bật tăng lên gần 388 cent/lb do lo ngại thiếu hụt nguồn cung từ Brazil, nơi sương giá được dự báo có thể xuất hiện trong vài tuần tới.
Ngược lại, giá Robusta kỳ hạn tháng 7 tại London lại giảm nhẹ, xuống còn khoảng 5.226 USD/tấn sau khi Indonesia tăng cường bán hàng ra thị trường. Sự chênh lệch xu hướng này phần nào phản ánh sự giằng co giữa kỳ vọng thiếu cung và áp lực chốt lời ngắn hạn.
Việt Nam – quốc gia xuất khẩu Robusta lớn nhất thế giới – hiện vẫn giữ mức giá FOB cao, nhưng lượng hàng còn lại không nhiều sau đợt xuất khẩu ồ ạt từ đầu năm.
NY