Đó là chia sẻ của ông Phạm Đình Đoàn, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Phú Thái, khi góp ý về bất cập của thể chế, cơ chế chính sách hiện nay.
Thời gian giải quyết vẫn lê thê
Sau gần một tháng phát động (3/9/2019), Ban tổ chức Cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế” đã nhận được nhiều góp ý từ phía cộng đồng doanh nghiệp (DN). Cuộc vận động do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì phối hợp với một số cơ quan liên quan tổ chức, kéo dài đến hết 31/12/2019.
Thực tiễn cho thấy còn nhiều cơ chế, chính sách đang cản trở hoạt động của DN. Không ít lần DN phải chờ 3-5 năm để xin mặt bằng mở một trung tâm bán lẻ. Có lần xin được thì cơ hội thị trường qua mất, nhưng có lần chờ đợi cũng không có hy vọng.
Ông Phạm Đình Đoàn, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Phú Thái, chia sẻ: Theo quy định thì các tỉnh đều yêu cầu phải đấu thầu. Việc đấu thầu như vậy, các DN phân phối bán lẻ lại phải dồn rất nhiều nguồn lực, tiền của để mua đất. Vô tình các công ty bán lẻ lại trở thành công ty bất động sản. Rất mệt mỏi và mất nhiều thời gian, chưa kể những chi phí không chính thức.
“Mệt mỏi với tầng nấc quy trình chẳng phải là chuyện của riêng DN nào. Số điều kiện kinh doanh có chủ trương cắt giảm 50% để hỗ trợ DN. Tuy nhiên dù là giảm 50 – 60% hay nhiều hơn thế cũng khó có hiệu quả nếu thời gian cho mỗi thủ tục vẫn cứ lê thê”, ông Đoàn nói.
Trong khi đó, bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, chia sẻ quy trình nội bộ không được đưa vào thành thủ tục hành chính, vì vậy mà thời gian thực hiện các quy trình nội bộ này gần như thiếu sự kiểm soát và kéo rất dài. Ví dụ, hỏi ý kiến một Bộ ngành về một vấn đề thì mất vài tháng mới có văn bản trả lời.
Theo phản ánh của cộng đồng DN, thời gian qua, môi trường đầu tư kinh doanh chưa thực sự thông thoáng, công bằng, minh bạch; cạnh tranh bất bình đẳng giữa các loại hình DN, thành phần kinh tế vẫn diễn ra.
Báo cáo của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam về Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2018 (PCI 2018) cho thấy: 45% DN cho rằng DN FDI được ưu tiên giải quyết khó khăn hơn DN trong nước; 37% DN cho rằng chính quyền ưu tiên thu hút FDI hơn phát triển tư nhân trong nước; FDI được hưởng ưu đãi về thuế lớn.
Về hiện tượng “lợi ích nhóm”, “DN sân sau”, “DN thân hữu”: 70% DN cho rằng “nguồn lực kinh doanh (hợp đồng, đất đai…) chủ yếu rơi vào DN thân quen, có quan hệ với cán bộ công quyền”. Về việc tiếp cận thông tin thiếu công bằng giữa các DN, để có thông tin hay tài liệu của tỉnh, 69% DN cho rằng cần phải có “mối quan hệ”.
Công tác cải cách hành chính trong một số lĩnh vực vẫn chưa thực chất; hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính và phân cấp, phân quyền cải thiện còn chậm; còn tình trạng đùn đẩy công việc, trách nhiệm… Thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trên một số lĩnh vực còn chồng chéo, rườm rà, phức tạp. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương thiếu chặt chẽ, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý tập trung thống nhất của Trung ương và tính năng động, chịu trách nhiệm của địa phương.
![]() |
DN phải chờ 3-5 năm để xin mặt bằng mở một trung tâm bán lẻ |
Xây dựng nhanh nền hành chính kiến tạo
Trong khi đó, thiết chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của DN trong kinh doanh yếu, tăng rủi ro cho DN. Thực thi pháp luật chưa nghiêm, chi phí tuân thủ pháp luật còn cao. Các biện pháp ngăn ngừa tham nhũng chưa đạt yêu cầu đề ra; tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng.
Báo cáo phòng chống tham nhũng 2018 cho thấy tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, tiêu cực còn xảy ra phổ biến; còn xảy ra sai phạm, tham nhũng ngay trong cơ quan bảo vệ pháp luật. Báo cáo PAPI chỉ ra tình trạng phải đưa “lót tay”, “chung chia”, “bồi dưỡng” vẫn còn: 54,8% DN phải chi chi phí không chính thức, 58,2% DN cho biết có sự nhũng nhiễu của cán bộ nhà nước; 48,4% DN cho rằng chi “hoa hồng” là cần thiết để thắng thầu…
Theo Ts. Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, Việt Nam cần phải xây dựng nhanh nền hành chính kiến tạo phát triển dựa trên chế độ chức nghiệp thực tài, phục vụ người dân, DN; thực hiện phương thức, công cụ quản lý nhà nước chủ yếu bằng điều tiết gián tiếp, tăng cường hậu kiểm; giảm tối đa rủi ro pháp lý và chi phí tuân thủ đối với người dân và DN.
Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử; thiết kế đồng bộ, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống tích hợp, kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu lớn. Thực hiện chuyển đổi số quốc gia một cách toàn diện từ Chính phủ đến xã hội, DN để phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số.
Theo Ts. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, hệ thống pháp luật chưa rõ ràng, chưa cụ thể, chưa tiên liệu được nên các công chức từ trung ương đến địa phương có những quyền rất lớn can thiệp vào hoạt động kinh doanh của DN…
Các chuyên gia cho rằng đến nay đã là hơn 2 năm Nghị quyết 10 Hội nghị Trung ương 5 có hiệu lực. Kinh tế tư nhân không chỉ còn là “Một trong những động lực”. Mà đã nâng lên là “Một động lực quan trọng” của nền kinh tế. Sự thay đổi nhận thức đó phải đánh đổi bằng nhiều chục năm. Tuy nhiên, khi đã có nghị quyết thì thời gian để đi vào thực tiễn sẽ không thể đánh đổi lâu hơn nữa.
Thy Lê