Theo đó, giá FIT ưu đãi 20 năm với dự án điện mặt trời là 9,35 cent/kWh và 7,09-8,38 cent/kWh; dự án điện gió là 8,35-9,8 cent/kWh. Tuy nhiên, các chính sách này hiện đã hết ưu đãi từ 1/11/2021. Nhiều dự án điện gió, điện mặt trời này đến nay vẫn chưa có giá điện, trong khi chủ đầu tư đã bỏ hàng chục tỷ đầu đầu tư các hạng mục, lắp đặt thiết bị...
![]() |
Dự án điện gió, mặt trời lỡ hẹn giá ưu đãi có thể đàm phán giá điện với EVN |
Theo thống kê có 62 dự án điện gió với tổng công suất 3.479 MW đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN nhưng do giá FIT hết hạn nên chưa có giá bán điện và 5 dự án hoặc một phần dự án điện mặt trời với tổng công suất 452,62 MW đang chờ xác định giá điện. Ngoài ra, cũng có một số dự án khác đang triển khai dở dang.
Vì vậy, Bộ Công Thương cho rằng, để tránh lãng phí đầu tư xã hội, cần thiết phải xác định cơ chế giá điện cho các dự án.
Cụ thể, với các dự án án chuyển tiếp, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cơ chế đã được báo cáo tại văn bản số 17 (ngày 27/1/2022). Nghĩa là nhà đầu tư các dự án chuyển tiếp tiến hành đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với EVN trong khung giá phát điện và hướng dẫn do Bộ Công Thương ban hành.
Với các dự án điện gió và mặt trời sẽ triển khai trong tương lai, Bộ Công Thương đề nghị chấp thuận áp dụng cơ chế đàm phán giá điện và hợp đồng mua bán điện tương tự như các dự án chuyển tiếp như nêu trên. Điều này là nhằm đảm bảo tính thống nhất của hành lang pháp lý với các dự án.
Còn đối với các dự án đã được công nhận vận hành thương mại, Bộ đề nghị Thủ tướng có văn bản chỉ đạo để Bộ Công Thương có cơ sở hướng dẫn việc rà soát, xem xét lại hợp đồng giữa EVN và các chủ đầu tư nhằm hài hòa lợi ích giữa bên bán-bên mua-người tiêu dùng điện và Nhà nước.
Đưa ra các đề xuất trên, Bộ Công Thương giải thích, do phương án EVN đấu thầu mua điện chưa rõ cơ sở pháp lý, do đó, các đề xuất trên sẽ đảm bảo tuân thủ Luật và văn bản liên quan.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đề nghị Thủ tướng bãi bỏ các quyết định về cơ chế ưu đãi phát triển điện gió, điện mặt trời trước đây, với lý do các điều khoản về giá FIT đã hết hiệu lực áp dụng, nhưng tính pháp lý vẫn còn. Chính sách giá FIT chỉ nên áp dụng trong thời gian nhất định để khuyến khích đầu tư vào điện gió, điện mặt trời. Hiện, giá loại hình năng lượng tái tạo này ngày càng giảm, tỷ trọng chiếm tương đối trong cơ cấu nguồn điện quốc gia, giá thiết bị cũng cạnh tranh hơn..., việc duy trì hỗ trợ không còn phù hợp.
Thống kê của EVN cho thấy, lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 133,11 tỷ kWh, tăng 3,8% so với cùng kỳ, trong đó tỷ lệ huy động năng lượng tái tạo đạt 19,2 tỷ kWh, chiếm 14,4% (điện mặt trời đạt 14,25 tỷ kWh, điện gió đạt 4,67tỷ kWh).
Trước đó, cuối năm 2021, chia sẻ với VnBusiness, một nhà đầu tư điện gió cho biết, dự án của doanh nghiệp không kịp tiến độ để vận hành thương mại dù đã hoàn thiện được khoảng 70-75%, vốn đầu tư khoảng 56 triệu USD (tương đương hơn 1.200 tỷ đồng). Với cơ chế đấu thầu, nếu EVN giảm giá mua điện xuống 12% thì coi như lợi nhuận của dự án này sẽ tiêu tan, thậm chí là thua lỗ.
Đặc biệt, trong lúc chờ Bộ Công Thương ban hành quy định về đấu thầu, doanh nghiệp dù có hoàn thiện dự án cũng không thể bán điện, không có doanh thu, trong khi nợ lãi vay ngân hàng, vốn gốc vẫn phải trả.
T.Dương