Đó là khuyến nghị của các chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), tại Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu “Một số nhận định về vốn đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam”, tổ chức chiều 22/7.
Vốn tăng đột biến
Theo Ts Nguyễn Đức Thành, viện trưởng Viện VEPR, nguồn vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam vẫn còn thấp hơn so với các nước Đông bắc Á như Nhật, Hàn Quốc… Tuy nhiên, đầu tư M&A thì đáng quan tâm. Bởi trên thực tế hiện nay, nhiều dự án đầu tư vào Việt Nam là một doanh nghiệp trong nước nhưng đứng đằng sau rót vốn lại là Trung Quốc.
Theo dữ liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT, hết 6 tháng, vốn đầu tư Trung Quốc đại lục, Đài Loan, Hồng Kông (Trung Quốc) vào Việt Nam đứng đầu trong các đối tác với 8,2 tỷ USD.
Tuy nhiên, tính riêng vốn đầu tư trực tiếp vào dự án mới chỉ 2,8 tỷ USD (120 tỷ đồng/dự án), con số khá nhỏ so với các dự án của nhà đầu tư khác.
Trong khi đó, vốn mua lại doanh nghiệp Việt, góp vốn mua cổ phần doanh nghiệp Việt của nhà đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam cũng lên tới 4,7 tỷ USD, chiếm gần 60% tổng vốn đầu tư của Trung Quốc và các vùng lãnh thổ liên quan.
Nhiều chuyên gia lo ngại việc nhà đầu tư Trung Quốc mua lại doanh nghiệp, dự án, đặc biệt dự án bất động sản tại Việt Nam tạo nhiều rủi ro lớn cho đất nước.
Thời gian qua, Bộ Công an, Bộ Xây dựng đã cảnh báo tình trạng người Trung Quốc mượn tay người Việt một số nơi để giao dịch đất đai. Hiện các khu vực bị nghi ngại nhất về việc người Trung Quốc đứng sau người Việt sở hữu đất đai là Phú Quốc (Kiên Giang), Nha Trang (Khánh Hòa) và Quảng Ninh…
Bên cạnh thương vụ M&A, hiện nay các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam bằng cách thức thông qua các gói tổng thầu EPC (Hợp đồng Thiết kế – Cung ứng vật tư, thiết bị – Xây dựng) là chủ yếu.
Tuy nhiên, các chuyên gia đến từ VEPR chỉ ra 3 vấn đề chính liên quan tới các gói thầu EPC của nhà thầu Trung Quốc đó là chậm tiến độ, vấn đề kỹ thuật và tác động môi trường.
Lấy ví dụ so sánh, cùng là về nhiệt điện, nhưng nhà máy Nhiệt điện Na Dương do nhà thầu Nhật Bản thực hiện thì quá trình thi công và vận hành chưa có ghi nhận nào về sự cố kỹ thuật kể từ khi xây dựng, trong khi đó, nhà máy Nhiệt điện Cẩm Phả do Trung Quốc thi công, từ khi vận hành, nhà máy đã xảy ra nhiều sự cố với hậu quả kinh tế nghiêm trọng.
Đồng quan điểm, Ts. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc chương trình nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR dẫn chứng 25/86 dự án thủy điện chậm tiến độ hiện nay có tới 8 trường hợp có nguyên nhân chậm tiến độ là do nhà thầu. Trong 8 trường hợp đó, có 5 trường hợp có sự tham gia của nhà thầu Trung Quốc như dự án Thủy điện An Khê – Kanak, Thủy điện Thượng Kon Tum…
Từ những dẫn chứng điển hình trên, Ts. Nguyễn Đức Thành khuyến cáo: “Các khoản vay và dự án thực hiện dưới hình thức EPC sẽ gây ra nhiều hệ lụy về dài hạn cho Việt Nam như: Vấn đề tham nhũng, tác động xã hội, phụ thuộc tài chính, vấn đề môi trường, hiệu quả kinh tế…”.
![]() |
Tuyến Metro Cát Linh – Hà Đông do tổng thầu Trung Quốc thi công bị chậm tiến độ xây dựng, xảy ra sự cố thiếu an toàn lao động |
Cần chọn lọc nhà đầu tư
Từ đó, Ts. Nguyễn Đức Thành, cho rằng Việt Nam cần tăng cường công tác quản lý đối với các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp FDI và hoạt động khác liên quan (môi trường, lao động di cư, khai thác các nguồn tài nguyên một cách bền vững,…).
Đồng tình với những vấn đề đặt ra đối với dòng vốn FDI và các nhà thầu đến từ Trung Quốc, PGs.Ts Trần Thị Ngọc Quyên, trường Đại học Ngoại thương, cho biết cách đây 2 năm có một nhà nghiên cứu người Mỹ đã từng cảnh báo: Việt Nam cẩn trọng với các nguồn vốn của Trung Quốc vì rất đắt đỏ, trong đó nhiều nước Đông Nam Á đã vấp phải, nên chuyển hướng sang nguồn vốn của các nước châu Âu.
Theo các chuyên gia, không thể ngăn chặn vốn Trung Quốc theo đầu vào (đa dạng hình thức) nhưng cần tăng kiểm tra, giám sát thi công và nghiệm thu, cần xử lý nghiêm những đối tác Việt Nam tham nhũng, kiểm tra giám sát không sát sao các công trình cơ sở hạ tầng.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã từng cho rằng thời gian tới, việc thu hút, quản lý đầu tư nước ngoài cần đặc biệt lưu ý đến công tác chuẩn bị tiếp nhận đầu tư, cơ sở hạ tầng và các yếu tố đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, kiểm soát chặt các dự án đầu tư chất lượng thấp, lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, có dấu hiệu “núp bóng” đầu tư để lẩn tránh xuất xứ, gian lận thương mại…
“Kiên quyết chấm dứt tình trạng đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng”; kiểm soát, ngăn chặn chuyển giá ngay từ khi thành lập doanh nghiệp, nâng khống giá trị máy móc thiết bị”, vị bộ trưởng khẳng định.
Thanh Hoa