Mặc dù đã đạt được những thành tựu nhất định, công tác giảm nghèo ở Cao Bằng vẫn còn nhiều việc phải làm. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn ở mức cao so với mặt bằng chung cả nước.
Điểm tựa tiềm năng từ du lịch cộng đồng
Nguyên nhân chủ yếu đến từ địa hình phức tạp, giao thông khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế, tập quán canh tác lạc hậu và thiếu cơ hội việc làm ổn định. Việc dựa vào nông nghiệp truyền thống với năng suất thấp và giá trị gia tăng không cao khiến người dân khó thoát khỏi vòng luẩn quẩn của đói nghèo.
Tuy nhiên, từ những tiềm năng thế mạnh của của vùng đất này có thể thấy, Cao Bằng vốn có vẻ đẹp hùng vĩ của nhiều cảnh đẹp như thác Bản Giốc, hồ Thang Hen, và những di tích lịch sử cách mạng. Điều này khiến vùng đất từ lâu đã được mệnh danh như một “viên ngọc xanh” của du lịch Việt Nam. Với nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa độc đáo, du lịch cũng được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Cao Bằng.
Đặc biệt, du lịch cộng đồng, với sự tham gia trực tiếp của người dân địa phương vào các hoạt động du lịch, không chỉ mang đến trải nghiệm chân thực cho du khách mà còn tạo ra cơ hội sinh kế bền vững cho cộng đồng.
Hiện nay, một trong những mô hình du lịch cộng đồng tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Cao Bằng chính là khu Du lịch Cộng đồng Khuổi Khon tại huyện Bảo Lạc.
![]() |
Khách du lịch trải nghiệm hái chè ở Cao Bằng. |
Trước đây, người dân Khuổi Khon chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp và lâm nghiệp, thu nhập bấp bênh. Nhận thấy tiềm năng du lịch của khu vực với những nếp nhà sàn truyền thống, phong cảnh hữu tình và bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc Tày, một nhóm người dân đã mạnh dạn đứng lên cùng nhau làm du lịch cùng với sự hỗ trợ của các ban ngành.
Ban đầu, người dân gặp không ít khó khăn về vốn, cơ sở vật chất và kinh nghiệm. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các tổ chức phi chính phủ, những hộ dân ở đây đã từng bước xây dựng và phát triển các dịch vụ homestay chất lượng, tổ chức các hoạt động trải nghiệm văn hóa như dệt thổ cẩm, làm bánh coóc mò, hát then đàn tính... Một số hộ cũng được các ban ngành tạo điều kiện tham gia các lớp đào tạo về kỹ năng đón tiếp khách, nấu ăn, vệ sinh môi trường...
Nhờ hoạt động hiệu quả, khu du lịch cộng đồng Khuổi Khon đã thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước. Thu nhập của người dân tăng lên đáng kể, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo và có cuộc sống ổn định hơn. Bên cạnh đó, mô hình này còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, tạo ra một sản phẩm du lịch độc đáo và bền vững.
Nâng thu nhập cho người dân
Hay mô hình hoạt động của HTX Giới thiệu Du lịch cộng đồng và Sản phẩm truyền thống Cao Bằng (TP Cao Bằng). HTX hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú ngắn ngày. Bằng việc liên kết với các doanh nghiệp, HTX đã đóng vai trò giống như đại lý du lịch, điều hành tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch. Từ đó, mô hình này đã giúp nâng cao nguồn thu nhập cho thành viên và quảng bá những nét đẹp của vùng đất Cao Bằng.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có các homestay và farmstay đạt chuẩn OCOP như Lan's Homestay (Trùng Khánh), Yến Nhi - Bản Giốc Homestay, Mế Farmstay. Đây là những mô hình kinh doanh du lịch do doanh nghiệp đầu tư nhưng có sự tham gia của cộng đồng.
Hay điểm du lịch Làng đá Khuổi Ky cũng đang là một điểm sáng về du lịch cộng đồng tại Cao Bằng. Người dân địa phương được tạo điều kiện tham gia hoạt động du lịch, giới thiệu văn hóa và nếp sống đặc trưng.
![]() |
Bồng Sơn, Trung Khánh đang là địa phương thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. |
Đi liền với đó, tỉnh có nhiều sản phẩm OCOP như dao Phúc Sen, chè Kolia, bánh Khẩu Sli do các HTX sản xuất và kinh doanh... Việc phát triển các sản phẩm này gắn với du lịch giúp tăng thêm trải nghiệm cho du khách và tạo thu nhập cho cộng đồng.
Theo thống kê, trung bình thu nhập của người dân làm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh dao động từ 40-60 triệu đồng/năm. Ngoài nguồn thu nhập này, người dân vẫn có thể có nguồn thu từ trồng trọt, chăn nuôi, cung cấp hàng hóa cho khách hay làm hướng dẫn viên du lịch.
Với nguồn thu nhập tăng thêm từ du lịch, người dân có cuộc sống khấm khá hơn. Nhìn thấy hiệu quả từ khi làm du lịch cùng với sự hỗ trợ của các cấp ngành, Nhà nước, nhiều hộ cũng yên tâm đầu tư làm homestay đón khách du lịch, đưa nhiều địa danh của địa phương thành điểm du lịch cộng đồng tiêu biểu của tỉnh Cao Bằng.
Phát triển thêm HTX du lịch
Tuy nhiên, đánh giá chung từ các cơ quan quản lý cho thấy, phần lớn các điểm du lịch ở Cao Bằng hiện nay vẫn thiếu bóng dáng của mô hình HTX. Điều này nếu không khắc phục sẽ khiến người dân làm du lịch cộng đồng gặp nhiều hạn chế về quy mô, chất lượng dịch vụ và khả năng cạnh tranh.
Chính vì vậy, sau quá trình nghiên cứu và học hỏi từ các tỉnh bạn, lãnh đạo tỉnh nhận thấy, việc phát triển các mô hình HTX du lịch sẽ khắc phục được nhiều hạn chế của du lịch tự phát. Bằng cách tập hợp các hộ gia đình, cá nhân có cùng mối quan tâm và hoạt động trong lĩnh vực du lịch, HTX tạo ra sức mạnh tập thể, giúp các thành viên tăng cường năng lực. Điều này được thể hiện rõ thông qua việc HTX có thể phối kết hợp với các cơ quan quản lý để tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn về kỹ năng làm du lịch cộng đồng, nâng cao chất lượng dịch vụ (lưu trú, ăn uống, hướng dẫn viên...).
Thông qua mô hình kinh tế tập thể, các HTX sẽ khuyến khích các thành viên phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa địa phương như homestay, trải nghiệm nghề truyền thống, ẩm thực đặc sản, các hoạt động văn hóa văn nghệ... Từ đây, việc mua sắm vật tư, quảng bá chung cũng giúp giảm thiểu chi phí cho từng hộ gia đình.
Theo lãnh đạo tỉnh Cao Bằng, HTX có thể xây dựng thương hiệu chung, quảng bá trên các kênh truyền thông, liên kết với các công ty lữ hành để thu hút khách du lịch. Và lợi nhuận từ hoạt động du lịch được chia sẻ một cách công bằng giữa các thành viên, góp phần tăng thu nhập và cải thiện đời sống.
Đặc biệt, HTX hoạt động dựa trên nguyên tắc phát triển bền vững, chú trọng bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống và bảo vệ môi trường tự nhiên nên rất phù hợp với điều kiện của đa số người dân ở Cao Bằng, nhất là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Chính vì vậy, trong thời gian gần đây, một trong những nhiệm vụ được tỉnh chú trọng là đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho lao động trong ngành du lịch.
Trong đó, tỉnh tập trung ưu tiên phát triển nguồn nhân lực phục vụ hoạt động du lịch đối với lao động địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ bằng các chính sách hỗ trợ trong đào tạo, hướng nghiệp dạy nghề. Tích cực tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò của người dân trong hoạt động du lịch để “Mỗi người dân là một hướng dẫn viên” nhằm tạo được ấn tượng tốt đối với du khách trong nước và quốc tế, góp phần nâng cao sức cạnh tranh và sự phát triển bền vững của du lịch tỉnh Cao Bằng.
Đóng góp không nhỏ vào việc này, thời gian qua, Liên minh HTX Việt Nam cũng đã phối hợp chặt chẽ với Liên minh HTX tỉnh Cao Bằng trong việc hỗ trợ người dân phát triển kinh tế tập thể, HTX.
Trong đó, Viện Phát triển Kinh tế hợp tác (Liên minh HTX Việt Nam) cũng đã chú trọng mở các lớp tập huấn, tư vấn quản lý HTX, nhân rộng các giải pháp, sáng kiến phát triển sản xuất gắn với chuỗi giá trị, trong đó có lĩnh vực du lịch. Đây là một trong những điều kiện quan trọng giúp người dân nâng cao tay nghề, kỹ năng từ đó tham gia phát triển du lịch theo chuỗi giá trị hiệu quả.
Quang Am