HTX Phước Tiền thành lập vào tháng 7/2014 với hơn 340 thành viên, trên cơ sở hợp nhất 4 HTX của xã Thường Phước 2 và Thường Thới Tiền. Hiện, diện tích sản xuất của HTX lên tới 1.800ha.
Sản xuất lúa thông minh
Để giúp người dân nâng cao thu nhập và đưa sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, HTX chú trọng sản xuất lúa thông minh trên cánh đồng lớn. Khi tham gia mô hình này, người nông dân phải giảm lượng giống, sử dụng thuốc sinh học và phân hữu cơ. Thay vì làm thủ công, HTX đứng ra mua máy móc hiện đại nhằm tiết kiệm chi phí về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và nhân công.
![]() |
Các thành viên HTX tham gia tập huấn về máy cấy lúa. |
Cùng với đó, HTX trang bị hệ thống cảm ứng mực nước thông minh để giúp nông dân theo dõi mực nước cần sử dụng cho lúa. Nông dân bơm nước vào hay rút nước ra sẽ thao tác bằng cách điều khiển qua điện thoại thông minh.
Sản xuất lúa theo phương pháp này khá mới, nên ban đầu nhiều hộ không tự tin làm theo. Tuy nhiên, qua quá trình vận động, nhiều hộ đã chấp nhận làm thử. Và thành quả nhận được thật không ngờ, lúa sản xuất thông minh tuy chỉ đạt năng suất khoảng 7 tấn lúa tươi/ha, nhưng bán cho doanh nghiệp với giá cao hơn từ 400 - 500 đồng/kg so với lúa sản xuất thông thường. Từ đó, người dân dần tin tưởng vào phương pháp sản xuất tiên tiến.
Qua thực tế sản xuất của HTX, khi áp dụng khoa học kỹ thuật sẽ giúp người dân giảm 50% phân bón, 60% công bón phân, 50% lượng phát thải khí nhà kính, thu nhập của nông dân tăng lên 15 - 20%. Bên cạnh đó, việc sử dụng phân, thuốc hữu cơ hoặc sinh học góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân.
Hiện nay, tất cả quy trình sản xuất lúa của HTX Phước Tiền đều có máy móc hỗ trợ. HTX cũng liên kết được với các doanh nghiệp, nên đầu ra tương đối thuận lợi. Giá lúa Đài Thơm 8, OM18 bán vào đầu năm nay dao động 6.100 - 6.200 đồng/kg, giúp nông dân thu về khoảng 15 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn 3 - 4 triệu đồng so với phương pháp canh tác thông thường.
Tận dụng từng... cọng rơm
Với diện tích gieo trồng lên đến 1.800ha lúa, nên mỗi vụ sẽ có hàng trăm tấn rơm được thải ra môi trường. Được sự hỗ trợ của các ngành chức năng, HTX đã áp dụng quy trình sản xuất phân hữu cơ truyền thống bằng cách tận dụng sản phẩm phụ từ lúa (rơm), phân chuồng, vỏ trấu…
Các chất thải, phụ phẩm sau thu hoạch sẽ được kết hợp với chế phẩm sinh học, rồi để hoai mục và dùng làm phân bón cho lúa. Cách làm này góp phần nâng cao giá trị sản xuất và chất lượng nông sản, giúp cải tạo đất, giảm sử dụng phân hóa học để hạn chế ô nhiễm môi trường.
![]() |
Thay vì đốt rơm, người dân thu gom để phục vụ làm phân hữu cơ. |
Trước đây, sau mỗi vụ thu hoạch lúa, anh Lê Văn Hiếu, thành viên HTX Phước Tiền, vẫn có thói quen đốt rơm rạ ngay tại đồng ruộng, bởi theo quan niệm của người dân, việc đốt rơm tại đồng giúp không tốn công và chi phí xử lý rơm rạ. Tuy nhiên, từ khi được HTX tạo điều kiện cho tham gia lớp tập huấn sản xuất phân hữu cơ từ rơm, rạ..., anh Hiếu nhận ra việc này đã gây ra những tác hại không hề nhỏ. Đó là phá vỡ hệ thống vi sinh vật có lợi, chất dinh dưỡng, làm đất đai ngày càng thoái hóa, mất cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng.
Mô hình ủ phân hữu cơ vi sinh đã xóa đi tập tục đốt rơm rạ gây khói bụi và ô nhiễm môi trường. Theo Ban giám đốc HTX, ước tính bình quân 1ha lúa sau khi thu hoạch được 5,5-6 tấn rơm, rạ. Thay vì lãng phí rơm theo cách đốt bỏ như trước, việc biến rơm thành phân hữu cơ giúp người dân tiết kiệm chi phí đầu tư.
Cách làm này giúp Phước Tiền hoàn thiện quy trình sản xuất lúa thông minh từ khi trồng đến sau thu hoạch. Trên cơ sở đó, tạo nguồn nông sản sạch, thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu của thị trường, lại bảo vệ sức khoẻ của cả người sản xuất và sử dụng lúa gạo.
Huyền Trang