HTX Thuận An đang thu hút 40 hộ dân trồng xà lách xoong theo VietGAP để cung cấp cho các nhà hàng, siêu thị và xuất khẩu sang Cam puchia.
Trồng rau VietGAP không khó
Thị xã Bình Minh có diện tích trồng rau xà lách xoong khoảng 110ha, tập trung chủ yếu ở 2 xã Thuận An và Đông Bình. Nhờ hệ thống đê bao khép kín nên rau xà lách xoong được trồng quanh năm, mỗi năm cho thu hoạch từ 6 - 7 lứa. Tuy nhiên, người dân chỉ trồng theo kinh nghiệm nên thị trường tiêu thụ tương đối khó khăn.
Để góp phần giải quyết tồn tại này, HTX rau xà lách xoong an toàn Thuận An đã quyết định sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời xây dựng kho sơ chế nhằm tạo ra sản phẩm sạch, an toàn hướng tới mở rộng đầu ra và đặc biệt là góp phần giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường.
Quy trình trồng xà lách xoong theo tiêu chuẩn an toàn tương đối khắt khe. Người trồng phải sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phun thuốc theo giải pháp "4 đúng" và cách ly cây trồng theo quy định ghi trên bao bì. Cách làm này ban đầu khiến các thành viên gặp không ít khó khăn nhưng sau khi sản phẩm được đưa vào siêu thị, ai cũng yên tâm áp dụng khoa học kỹ thuật.
Thông thường, sau khi thu hoạch khoảng 20 ngày, xà lách xoong tiếp tục phát triển và cho thu hoạch lứa tiếp theo. Tuy nhiên trước đây do không đủ kiên nhẫn và vì lợi nhuận, người dân sẵn sàng sử dụng thuốc kích thích để thúc rau ra nhanh hơn.
Theo Ban giám đốc HTX, sử dụng thuốc kích thích chỉ sau 3 ngày, rau dài hơn khoảng 5-7% so với rau không phun. Đặc biệt, do người dân không nắm được liều lượng nên thường tăng lượng thuốc kích thích lên rau để xà lách nhanh dài. Việc này đã khiến đất đai bị cằn cỗi, môi trường bị ô nhiễm là không bảo đảm được chất lượng rau.
![]() |
HTX Thuận An đang phát triển cây rau đặc trưng của địa phương theo tiêu chuẩn VietGAP. |
Trước thực trạng trên, với sự hỗ trợ của địa phương, HTX đã đẩy mạnh việc giám sát trong quá trình sản xuất thông qua việc kiểm tra và lấy mẫu xét nghiệm đột xuất. Nhờ đó, ý thức sản xuất của người dân được nâng cao vì nếu rau không bảo đảm chất lượng sẽ không được HTX thu mua và tiêu thụ.
Ông Trần Minh Hiếu, Giám đốc HTX Thuận An, cho biết áp dụng mô hình sản xuất rau VietGAP giúp các thành viên kiểm soát được lượng phân bón, nước tưới cũng như tình hình sâu bệnh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật mà vẫn bảo đảm chất lượng, màu sắc của sản phẩm.
Theo chị Nguyễn Thị Bình, thành viên HTX, từ khi tham gia sản xuất rau xà lách xoong theo hướng VietGAP, chị cũng tự nâng cao ý thức trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón. Nguồn nước, đất, sử dụng phân bón gì, thuốc bảo vệ thực vật nào đều được các cơ quan chức năng lấy mẫu, kiểm tra thường xuyên nên chị rất yên tâm sản xuất.
Những thay đổi trong suy nghĩ và hành động của các thành viên đã tác động tích cực đến môi trường, bên cạnh đó còn bảo đảm được sức khỏe của người trồng rau.
Rộng đầu ra
Theo các thành viên, trước đây, nông dân trồng xà lách xoong chủ yếu bán tự do cho thương lái, với giá cả thương lượng chứ chưa có hợp đồng ổn định. Tuy nhiên từ khi có HTX tổ chức sản xuất rau VietGAP trên diện tích 8ha đã giúp nâng cao giá trị loại rau nổi tiếng ở Thuận An.
Ngoài áp dụng khoa học kỹ thuật, HTX còn đầu tư thêm hệ thống tưới phun mưa phục vụ rau trồng nghịch vụ vào mùa nắng, đồng thời thực hiện che lưới đen để điều chỉnh nhiệt độ. Khu vực trồng rau được quy hoạch với hệ thống thủy lợi hợp lý, đường đi được đổ bê tông để thuận lợi cho việc di chuyển và giữ nước.
![]() |
Các thành viên thu hoạch rau xà lách xoong. |
Từ việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP mà HTX cải xà lách xoong an toàn Thuận An có đầu ra ổn định ở khắp các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đủ điều kiện xuất khẩu, từ đó giúp người dân nâng cao thu nhập.
Nhờ kiên trì học hỏi nên ruộng xà lách xoong của các thành viên trong HTX cho thu nhập khá, mỗi hộ lãi từ 30 đến 40 triệu đồng/ha/vụ sau khi đã trừ chi phí.
Điều thuận lợi là xà lách xoong trồng 1 lần có thể cho thu hoạch đến hơn 20 năm. Theo Ban giám đốc HTX, hiện HTX mới chỉ cung ứng được khoảng gần 300 tấn rau mỗi năm trong khi thị trường cho loại rau này rất rộng mở. Thời gian tới, HTX tiếp tục mở rộng sản xuất để giúp người dân có được nguồn thu nhập khá, vươn lên làm giàu từ trồng xà lách xoong.
Như Yến