Được thành lập năm 2017, HTX VanPa là mô hình kinh tế tiêu biểu trên địa bàn huyện Đăkrông. Mô hình sản xuất của HTX có sức lan tỏa khi thu hút được đồng bào dân tộc ở các huyện lân cận tham gia trồng và chế biến tinh dầu, các sản phẩm từ tinh dầu.
Liên kết sản xuất
Nhận thấy khí hậu khắc nghiệt, đất đai khô cằn gây khó khăn trong việc phát triển cây lương thực cũng như cây ăn quả nhưng đây lại là điều kiện thuận lợi, phù hợp để các loại cây dược liệu phát triển. Đó chính là nền tảng để HTX đẩy mạnh phát triển các loại cây dược liệu, đầu tư máy móc phục vụ chế biến, tinh chiết.
Để chủ động về vùng nguyên liệu, HTX liên kết với đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pakô trồng sả, nghệ, tràm, gừng, hương nhu... trải dài từ Đakrông đến Hướng Hóa và Gio Linh …
![]() |
Tinh dầu tràm của HTX đang được đánh giá cao trên thị trường |
Các thành viên cùng người dân chịu trách nhiệm trồng, chăm sóc, bảo vệ và thu hoạch, còn Ban Giám đốc HTX điều hành các khâu san ủi mặt bằng, làm đất, cung cấp giống và phân bón vi sinh sản xuất cây sả hữu cơ thương phẩm trên diện tích 10 ha theo quy trình tiêu chuẩn của Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam.
Chỉ tính riêng việc trồng sả, lá tươi được HTX thu mua với giá 1.000 đồng/kg; bình quân 1 ha thu hoạch lá 4 – 5 lượt/năm với sản lượng khoảng 40 – 50 tấn.
Điều thuận lợi là kỹ thuật trồng các loại cây này không quá phức tạp, người dân chỉ bỏ một phần chi phí ban đầu nhưng trong năm đầu tiên là có thể có lãi. Các năm sau không tốn chi phí kiến thiết cơ bản thì phần lãi ròng của nông dân càng nhiều hơn.
Đến nay, diện tích vùng nguyên liệu của HTX là 35 ha. Các cây dược liệu thu mua được HTX sơ chế, sau đó chưng cất tinh dầu bằng phương pháp truyền thống. Nguyên liệu được đưa vào nồi đun trong thời gian nhất định rồi ngưng tụ tách tinh dầu nguyên chất qua hỗn hợp thành phẩm bay hơi.
Đến nay, HTX đã cung cấp ra thị trường nhiều sản phẩm như: tinh dầu sả chanh, tinh dầu hương nhu, tinh dầu nghệ, tinh dầu gừng, tinh dầu tràm… HTX cũng đẩy mạnh bán online để tiếp cận đông đảo khách hàng.
5 mẫu tinh dầu nguyên chất cũng được gửi sang Thụy Điển nhằm hướng tới thị trường châu Âu. Các mẫu tinh dầu này đã được bạn hàng đánh giá rất cao vì có độ đậm đặc, mùi thơm hấp dẫn rất hợp với vùng khí hậu lạnh.
HTX cũng đã hoàn tất hồ sơ với Bộ Y tế để được cấp phép về sản xuất dược liệu; đăng ký các quy định về nhãn hiệu sản phẩm của tinh dầu VanPa; đồng thời hướng đến là một trong những sản phẩm OCOP của huyện Đakrông.
Thúc đẩy giảm nghèo
Trước đây, đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pakô ở miền Tây Quảng Trị chủ yếu sống nhờ vào rừng và lúa rẫy, lúa nước. Đất đai có sẵn nhưng khô cằn nên không biết trồng gì, đành bỏ hoang.
Từ khi tham gia và liên kết làm vệ tinh cho HTX, các hộ thành viên và đồng bào dân tộc nơi đây được hướng dẫn trồng các loại cây dược liệu. Sản phẩm làm ra đến đâu đều được HTX thu mua nên bà con không lo đầu ra. Thu nhập từ đó cũng tăng lên.
![]() |
HTX đứng ra thu mua nguyên liệu nên bảo đảm đầu ra cho người dân |
Chỉ tính riêng mô hình trồng sả nguyên liệu, hiệu quả kinh tế mang lại khá cao, đạt 40 - 50 triệu đồng/ha nên ai cũng phấn khởi. Vì thế, khi nghe HTX có kế hoạch phát triển mở rộng vùng nguyên liệu thì đã có gần 100 hộ trên địa bàn hiệu Đăkrông và huyện lân cận đăng ký tham gia.
Hay với mô hình trồng nghệ, theo tính toán của HTX, 1,5ha nghệ cho năng suất trung bình 15 tấn/ha, giá bán 9.000đồng/kg thì mỗi vụ đem lại thu nhập cho người dân hơn 100 triệu đồng. Ngoài ra, người dân còn có thể trồng xen các loại cây ăn quả như: ổi, bưởi da xanh nên giá trị thu nhập càng cao hơn...
Bà Trần Thị Cúc (huyện Gio Linh) cho biết: “Từ khi liên kết cùng HTX, cây nghệ đã giúp gia đình tôi thoát nghèo, con cái được học hành đầy đủ, mua sắm được nhiều trang thiết bị”.
Những năm qua, các loại cây trồng như lạc, ngô, sắn, lúa đều không mang lại hiệu quả kinh tế do thời tiết nắng nóng, khô hạn. Nhưng những loại cây dược liệu được trồng ở đây lại có chất lượng tốt hơn, thích nghi với điều kiện khô hạn, nắng nóng.
Có thể thấy, mô hình sản xuất của HTX VanPa đã góp phần không nhỏ vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo tại một xã thuộc miền Tây Quảng Trị nhờ nắm bắt được thế mạnh của địa phương và đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi.
HTX đang liên kết với Phòng NN&PTNT tổ chức quy hoạch vùng nguyên liệu để từ đó có những giải pháp chỉ đạo người dân thâm canh tăng năng suất. Việc tìm doanh nghiệp liên kết tiêu thụ để người dân yên tâm sản xuất cũng được đẩy mạnh đi cùng với hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật canh tác, chuyển giao khoa học-công nghệ cho người dân. Bên cạnh đó, VanPa cũng chú trọng phát triển vườn ươm với những loại giống mới, từng bước đưa các loại cây dược liệu trở thành cây trồng chủ lực, giúp người thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Huyền Trang