Hàng trăm năm nay, trồng kiệu hương là nghề cha truyền con nối, gắn bó với nhiều đời của nông dân ở Hòa Nhơn. Kiệu hương có thân nở, eo thắt rõ rệt, đuôi kiệu mảnh, không dày. Kiệu trâu khi muối sẽ cho mùi hăng và mềm, trong khi đó kiệu hương muối cho vị thơm giòn hơn.
Khôi phục nghề truyền thống
Năm 2016, được sự quan tâm hỗ trợ, đầu tư của Sở NN&PTNT TP, xã Hòa Nhơn quyết tâm khôi phục nghề trồng kiệu hương, nhằm lưu giữ giống cây trồng truyền thống, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.
![]() |
Trồng kiệu hương mang lại thu nhập ổn định cho người dân Hòa Nhơn (Ảnh: TL) |
Theo đó, kiệu hương đã trồng thử nghiệm ở những vùng đất bị bồi lấp, đất đồi gò, ít sử dụng nước tưới tại một số thôn với diện tích 1,1ha. Đồng thời, xã hỗ trợ 100% giống, 30% phân bón và 500m2 hệ thống tưới phun sương với tổng kinh phí gần 70 triệu đồng cho gần 40 hộ dân tham gia.
Để nâng cao năng suất, chất lượng giống cây trồng, ngoài kinh nghiệm vốn có của người dân, chính quyền địa phương còn tổ chức tập huấn kỹ thuật về cách chống sương, chăm sóc kiệu sau mưa, cách bón phân và phun thuốc bón phân qua lá để có được hiệu quả cao nhất, và cử cán bộ kỹ thuật đứng điểm, hướng dẫn bà con trong quá trình gieo trồng cũng như cải tạo đất sau thu hoạch...
Lãnh đạo xã Hòa Nhơn cho biết: “Có thể nói, việc khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống kiệu hương là yêu cầu bức thiết hiện nay nhằm giải quyết bài toán về việc làm để nâng cao nguồn thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần xây dựng thành công mô hình nông thôn mới một cách bền vững và gìn giữ nét văn hóa của làng quê. Bên cạnh đó, kiệu cũng là sản phẩm tiêu dùng chủ yếu trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc, góp phần tô điểm thêm hương vị ẩm thực của người Việt mỗi khi Tết đến, Xuân về”.
Theo tính toán, với mức bán của giá kiệu ở ngày thường từ 25-30 nghìn đồng/kg thì người dân có thể thu về lợi nhuận từ 12-15 triệu đồng/sào.
Ông Tham - một trong những hộ trồng kiệu hương lâu năm tại xã Hòa Nhơn phấn khởi cho biết: “Với việc trồng kiệu hương như thế này, hàng năm đem lại thu nhập cho gia đình tôi khoảng hơn 60 triệu đồng/năm. Đây là thu nhập tương đối tốt, ổn định và nhờ trồng kiệu hương mà gia đình tôi đã cải thiện được cuộc sống, vươn lên thành hộ khá giả..”.
Kỳ vọng từ THT
Sau khi làm kiệu hương Hòa Nhơn “sống lại”, UBND xã nghĩ đến kế hoạch lâu dài là đưa sản phẩm kiệu hương thành sản phẩm OCOP nhằm đưa tên tuổi kiệu hương phát triển hơn nữa.
![]() |
Sản phẩm kiệu hương tham gia OCOP (Ảnh: TL) |
Do đó, xã đã thành lập Tổ hợp tác (THT) sản xuất kiệu hương Hòa Nhơn do ông Nguyễn Hữu Khánh làm tổ trưởng. THT hiện có gần 40 thành viên, trong đó phần lớn là phụ nữ, chia làm 2 tổ - chế biến và trồng trọt.
Từ khi được thành lập, THT đã mở rộng diện tích trồng, hỗ trợ bà con về giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật, phân công cán bộ theo dõi, bám sát mô hình ngay từ lúc triển khai. Đồng thời, hỗ trợ tập huấn sản xuất, sơ chế, chế biến các sản phẩm được làm từ kiệu hương. Đặc biệt là tập huấn, triển khai sản xuất kiệu hương đảm bảo theo tiêu chuẩn an toàn.
Ông Nguyễn Hữu Khánh cho hay, UBND xã đã lập thủ tục đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm “Kiệu Hương Hòa Nhơn”. THT đã phối hợp với các đơn vị hỗ trợ thiết kế bao bì, nhãn mác, mã QR code, truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. Đồng thời, xã hỗ trợ các máy móc, thiết bị phục vụ cho sơ chế, chế biến kiệu hương như máy sấy, máy đóng hộp, máy khò nhãn, bao bì, nhãn mác…; xúc tiến hỗ trợ xây dựng, cấp chứng nhận GlobalGAP cho cơ sở chế biến kiệu hương.
“Theo định hướng của xã, để đưa sản phẩm kiệu hương trở thành sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, tháng 8/2019, xã đã xúc tiến thành lập THT kiệu hương Hòa Nhơn. THT ra đời là cơ sở để bà con yên tâm sản xuất, nhằm xây dựng, khôi phục lại nghề trồng kiệu hương truyền thống cho địa phương. Việc xây dựng THT đã giúp bà con liên kết, hỗ trợ sản xuất, đồng thời giải quyết được lao động, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân…”, ông Khánh khẳng định.
Đan Nguyễn