![]() |
Sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà giúp bảo vệ môi trường |
Trước đây, xã Trung Chính chỉ tập trung phát triển cây lúa và chăn nuôi nhỏ lẻ. Điều kiện đất đai tại địa phương lại là vùng trũng thấp nên dù quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Với động lực là “cánh tay phải” của các thành viên và người dân, Ban giám đốc HTX đã mạnh dạn liên kết, tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế.
Bảo đảm vệ sinh môi trường
Hiện, HTX có 12 thành viên, hoạt động theo phương thức chăn nuôi hỗn hợp, gồm chăn nuôi lợn thương phẩm, gà thương phẩm, gà đẻ trứng và vận tải hàng hóa.
Mỗi năm, HTX cung ứng ra thị trường gần 300 con lợn, hơn 7.000 con gà, hơn 1 triệu quả trứng và gần 100 tấn cá các loại, doanh thu đạt gần 5 tỷ đồng/năm.
Để có được thành quả trên, HTX đã chủ động phối hợp với các đơn vị chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật; cử thành viên tham gia các lớp tập huấn kiến thức chăn nuôi để cung cấp, bổ sung kiến thức cho thành viên.
Hiện, 100% các thành viên của HTX có hệ thống chuồng trại chăn nuôi đạt tiêu chuẩn, được vệ sinh khử trùng tiêu độc và bảo vệ môi trường xung quanh, phương thức thu gom và xử lý chất thải hợp lý.
Ông Ngô Văn Kiên, Giám đốc HTX cho biết: Toàn bộ hệ thống chuồng trại của các thành viên được thiết kế khoa học, có bể lớn để thu gom, xử lý chất thải. Tham gia HTX, kinh tế của các hộ thành viên càng phát triển. Bên cạnh đó, mỗi người còn được học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với nhau.
Riêng với chăn nuôi gà, các thành viên ưu tiên sử dụng đệm lót sinh học. Áp dụng phương pháp này giúp HTX tận dụng được các phụ phẩm nông nghiệp như trấu, mùn cưa, thân cây ngô giúp khử được mùi hôi thối, tạo môi trường trong lành, giảm tỷ lệ gà mắc các loại dịch bệnh. Sau 3 tháng chăn nuôi, trọng lượng bình quân của đàn gà là 1,9kg/con...
Quy trình sản xuất của HTX đã tạo thành vòng quay khép kín, vừa tận dụng được chất thải chăn nuôi, vừa tiết kiệm chi phí lại bảo đảm được môi trường và hạn chế rủi ro.
Từng bước xây dựng chuỗi liên kết
Nhằm ổn định đầu ra, các thành viên trong HTX luôn trăn trở, tìm giải pháp để tiến tới xây dựng thương hiệu theo chuỗi liên kết vững chắc, từ sản xuất chăn nuôi gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, bởi chỉ có liên kết chuỗi giá trị mới có thể nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển bền vững.
Để thực hiện thành công mục tiêu này, HTX không dừng lại ở việc đa dạng hóa vật nuôi mà ngay từ khi thành lập, các hộ thành viên đã tự giác tuân thủ nghiêm các quy định chăn nuôi theo quy trình khoa học, không sử dụng các chất cấm.
HTX liên kết với một số đơn vị cung cấp giống, thức ăn, vật tư, đồng thời đứng ra làm đại lý cấp một giúp các thành viên bảo đảm được đầu vào và đầu ra trong suốt quá trình sản xuất.
Trong thời gian tới, HTX tiếp tục vận động các thành viên mở rộng diện tích chăn nuôi, hướng dẫn mọi người tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất bảo đảm an toàn dịch bệnh; tăng cường giới thiệu, quảng bá thương hiệu sản phẩm; đồng thời tiếp tục kết nối với các doanh nghiệp tổ chức bao tiêu sản phẩm để thành viên yên tâm sản xuất.
Theo Ban giám đốc HTX, HTX rất cần sự hỗ trợ đắc lực từ phía Liên minh HTX tỉnh, không chỉ về vốn, về phương pháp quản lý mà chính là cầu nối giữa các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài tỉnh với HTX, nhằm ổn định thị trường đầu ra cho sản phẩm.
HTX cũng đang nghiên cứu, đầu tư cho phương pháp chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, với quy trình chăn nuôi nghiêm ngặt, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, mang lại thương hiệu sản phẩm. Đây sẽ là hướng đi đúng trong xây dựng chuỗi liên kết vững chắc, từng bước khẳng định được thương hiệu trên thị trường.
Như Yến