Sau 10 năm đàm phán, ngày 20/4 vừa qua, lô xoài đầu tiên của Việt Nam đã đến Hoa Kỳ, bắt đầu công cuộc chinh phục thị trường khó tính này. Xoài là loại quả tươi thứ 6 của Việt Nam được cấp phép xuất khẩu sang thị trường Mỹ sau thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa.
Đơn vị xuất khẩu (XK) lô hàng xoài đầu tiên này là công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu. Đơn vị nhập khẩu (NK) là công ty Trái cây nhiệt đới Đại Tân. Đơn vị cung ứng sản phẩm xoài là HTX Xoài Mỹ Xương.
Mặt hàng quả tươi thứ 6
Bà Nguyễn Thị Hồng Thu - Giám đốc công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu, cho biết lô xoài XK đầu tiên sang Mỹ này có khối lượng 8 tấn. Theo bà Thu, hiện công ty đang quản lý trên 25 mã vùng trồng trái cây các loại với diện tích gần 400 ha, trong đó có khoảng 175 ha xoài đã được cấp mã số và đang trong quá trình hoàn thiện.
Bên cạnh đó, công ty đã liên kết với HTX Xoài Mỹ Xương với diện tích 81 ha và HTX Xoài 3 màu Bình Phước Xuân (An Giang) với diện tích 70 ha, cùng với nhiều HTX trồng xoài từ các tỉnh khác.
HTX Mỹ Xương vốn đi lên từ mô hình hội quán và chính thức thành lập năm 2011 với vốn điều lệ 80 triệu đồng. Diện tích sản xuất xoài của các thành viên trong HTX dao động từ 0,2 đến 1,7 ha cho mỗi nhà vườn. Hiện HTX có 90 ha do các thành viên tự trồng và 400 ha liên kết với nông dân. Sản phẩm của HTX đã được xuất qua Nhật, Australia, Hàn Quốc và Nga.
Phó Giám đốc HTX - ông Bùi Minh Cần, cho biết nông dân đã hiểu sản xuất xoài sạch là xu thế tất yếu. Trồng xoài phải sử dụng phân bón hữu cơ để bảo đảm chất lượng theo đúng yêu cầu của DN, từ đó đầu ra được ổn định, công sức của người nông dân được đền đáp. Do đó, từ khi thành lập, HTX đã xác định mô hình làm ăn tập thể với mũi nhọn là đổi mới, đẩy mạnh sản xuất xoài theo hướng xanh, sạch.
HTX phối hợp cùng ngành chuyên môn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân, từng bước sản xuất xoài theo hướng GAP có sổ nhật ký ghi chép từng giai đoạn sản xuất và đang hoàn thành cơ sở vật chất như nhà kho, nhà sơ chế…, để tiến đến kết hợp với Viện Cây ăn quả miền Nam xin chứng nhận GlobalGAP cho XK xoài Mỹ Xương ra nước ngoài.
Khi thực hiện trồng xoài theo VietGAP, sau đó đến xoài hữu cơ, các thành viên đã có sự tiến bộ vượt bậc trong chăm sóc xoài, từ khâu làm đất, đến tỉa cành, tạo tán, bón phân, bao trái… đều đúng kỹ thuật, quy trình và thời điểm.
Trồng xoài cát theo tiêu chuẩn GlobalGAP cho năng suất cao khoảng 10 tấn/ha, trong đó có khoảng 80% xoài loại 1 - đạt tiêu chuẩn XK. Đặc biệt, trồng xoài theo quy trình này sẽ giảm chi phí 50% số lần phun xịt thuốc lại bảo vệ môi trường. Do đó, năng suất cao, bán được giá, mà mỗi ha còn lãi 100 - 200 triệu đồng.
Lô hàng XK sang Mỹ lần này bao gồm 3 tấn xoài tượng da xanh, 3 tấn xoài cát Hòa Lộc và 2 tấn xoài cát Chu da vàng.
![]() |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm HTX Xoài Mỹ Xương |
Hàng sạch truy xuất qua Blockchain
Những trái xoài tươi này đều đạt tiêu chuẩn VietGAP, được Bộ NN&PTNT và Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ (APHIS) cấp mã số phục vụ quản lý và truy xuất nguồn gốc. Mỗi lô hàng trước khi xuất được xử lý chiếu xạ, được kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.
Hàng không chỉ bảo đảm về chất lượng, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật mà còn đạt chuẩn về kích cỡ. Với xoài tượng da xanh, trái phải nặng trên 700 gram, xoài cát chu từ 300 gram, còn xoài cát Hòa Lộc chỉ lấy trái trên 400 gram.
Để có lô hàng đạt chuẩn này, HTX Mỹ Xương đã bảo đảm an toàn trong việc sử dụng bao trái xoài, biện pháp tỉa cành tạo tán sau thu hoạch và bón phân hữu cơ sinh học. Ngoài ra, HTX còn thành lập tổ hợp tác sản xuất, thành lập xưởng sản xuất sản phẩm bao trái cây, tổ dịch vụ chuyên chăm sóc cây (đốn tỉa, tạo tán, bao trái...).
HTX còn phối hợp với công ty Infinity Blockchain Labs để nâng cao ứng dụng trong việc truy xuất nguồn gốc bằng QR Code.
"Cách chúng tôi làm là minh bạch dữ liệu trên blockchain, tất cả các khâu trái xoài đi qua đều được lưu trữ và đưa lên hệ thống, được sự đồng thuận của các thành phần tham gia trong chuỗi, từ HTX sản xuất đến người tham gia vận chuyển, phân phối, điểm bán hàng tới người dùng cuối", ông Đỗ Văn Long - Chủ tịch, Giám đốc văn phòng Infinity Blockchain Labs nói.
Được biết, Đồng Tháp là địa phương có diện tích trồng xoài lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với diện tích gần 10.000 ha, sản lượng gần 127.000 tấn. Từ nhiều năm nay, tỉnh đã chọn xoài là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh với nhiều mô hình ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất như rải vụ, bao trái, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP. Đến nay, toàn tỉnh đã có 181 ha xoài được chứng nhận VietGAP, 43 ha đạt GlobalGAP và 17 ha được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Năm 2013, Đồng Tháp được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu "Xoài cát Chu Cao Lãnh và Xoài Cao Lãnh". Năm 2014, xoài cát Chu của Đồng Tháp đã xuất khẩu sang Nhật Bản, hiện có 301 ha được cấp mã số vùng trồng.
Hồng Nhung