Trong sản xuất muối niên vụ năm 2020, UBND TP.HCM mới đây đã có chỉ đạo Sở NN&PTNT tiếp tục tái cơ cấu ngành muối theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, thực hiện phương án chuyển đổi diện tích sản xuất muối trên địa bàn huyện Cần Giờ đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Tăng liên kết với HTX
Ngoài việc lưu ý tổ chức sản xuất muối đúng diện tích trong quy hoạch, theo nhu cầu thị trường, phát triển làng nghề muối, UBND TP.HCM còn khuyến khích các hộ làm muối ở Cần Giờ thành lập HTX.
Đặc biệt, các hộ làm muối cần tăng cường liên kết với HTX, doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ muối nhằm phát triển sản xuất muối ổn định, đảm bảo đời sống người dân làm muối tốt hơn.
![]() |
TP.HCM khuyến khích các hộ làm muối ở Cần Giờ thành lập HTX (ảnh: Tư liệu) |
Bên cạnh đó, UBND huyện Cần Giờ được TP.HCM giao cho việc hỗ trợ người dân thành lập tổ liên kết, HTX sản xuất muối sạch và ký kết hợp đồng tiêu thụ muối ổn định với các cơ sở sản xuất, chế biến muối tại địa phương.
Theo quy hoạch, tổng diện tích đất làm muối ở Cần Giờ là 1.200ha, tập trung chủ yếu ở 2 xã Lý Nhơn và Thạnh An. Thế nhưng, hạn chế của hoạt động sản xuất muối ở vùng duyên hải của Thành phố còn phân tán, tự phát, việc tiêu thụ muối chưa ổn định.
Trước đây, có những giai đoạn mà nghề làm muối tại Cần Giờ điêu đứng vì thất thu, lỗ nặng khi giá muối tiêu thụ thấp, bị thương lái ép giá, khiến cho cuộc sống người dân ngày càng khó khăn hơn.
Chính vì vậy, những người quan tâm đến nghề muối ở Cần Giờ cho rằng về lâu dài cần đầu tư phát triển các cơ sở chế biến các sản phẩm muối nhằm nâng cao giá trị và mở rộng thị trường tiêu thụ muối cho diêm dân, sản xuất theo chuỗi giá trị với vai trò của HTX và kết nối doanh nghiệp với diêm dân.
Với TP.HCM, nghề muối ở Cần Giờ vẫn có một vị trí đáng kể. Chính vì vậy, trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn vùng nông thôn của Thành phố, một trong những làng nghề đầu tiên được nhắc đến chính là Làng nghề muối Lý Nhơn.
Theo số liệu thống kê, niên vụ muối năm 2019 của Làng nghề muối Lý Nhơn có 487 hộ tham gia sản xuất muối với 1.470 lao động. Tổng diện tích sản xuất muối của làng nghề là 986 ha, sản lượng muối của làng nghề trong niên vụ 2019 là 66.784 tấn.
Thực tế cho thấy, thương hiệu muối sạch Cần Giờ và muối của làng nghề Lý Nhơn đã vươn xa, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu đến nhiều thị trường khó tính. Tuy nhiên, để đời sống diêm dân Cần Giờ được giàu lên thì còn nhiều việc phải làm.
Đưa công nghệ vào sản xuất muối
Đặc biệt là cần vai trò lớn của các HTX trong nghề muối. Đơn cử như HTX Tiến Thành là HTX duy nhất của TP.HCM chuyên hoạt động trong lĩnh vực diêm nghiệp ở Cần Giờ.
HTX Tiến Thành hiện đang sản xuất và tiêu thụ muối các loại, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ muối, nuôi và chế biến Artemia và tổ chức dịch vụ bốc xếp, vận chuyển, các dịch vụ từ muối, cũng như cung cấp các thiết bị, vật tư phục vụ ngành muối, nuôi tôm...
Tổng diện tích sản xuất muối của thành viên HTX là 50 ha, sản lượng 3.500 tấn/năm. Hàng năm, HTX tiến hành thu mua của thành viên trên 15.000 tấn muối để phục vụ hoạt động chế biến, cung cấp cho thị trường tiêu thụ.
Sản lượng muối của HTX tiêu thụ hàng tháng đạt 980 tấn/tháng (11.760 tấn/năm). Trong đó cung ứng cho Coopmart, Công ty nước mắm Liên Thành, Công ty Viễn Đông, Cholimex, Masan và nhiều doanh nghiệp, cơ sở khác.
![]() |
Ngành muối ở Cần Giờ cần theo hướng nâng cao giá trị gia tăng (ảnh: Tư liệu) |
Bên cạnh HTX Tiến Thành, huyện Cần Giờ đã tính tới việc phát triển HTX Muối Lý Nhơn, kiện toàn Tổ hợp tác muối Thạnh An và phát triển thành HTX để có chính sách hỗ trợ tạo điều kiện tiêu thụ muối cho bà con diêm dân.
Về đầu ra trong hệ thống bán lẻ, nhiều năm qua, Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) cũng đã góp phần phát triển thương hiệu muối Cần Giờ, đưa sản phẩm đến người tiêu dùng thông qua hệ thống siêu thị Co.opmart trên cả nước. Mỗi tháng, hệ thống Co.opmart tiêu thụ khoảng 80 tấn muối của diêm dân huyện Cần Giờ.
Theo giới chuyên gia, để nâng giá trị muối Cần Giờ cần áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất muối để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm muối làm ra của bà con diêm dân, nhất là làm cho hạt muối trắng và sạch hơn so với cách sản xuất muối truyền thống trên nền đất.
Và để nâng được giá trị hạt muối Cần Giờ thì rất cần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, HTX và các diêm dân tiếp cận các chính sách, nguồn vốn tín dụng ưu đãi phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ muối cũng như yên tâm đưa công nghệ mới vào sản xuất muối.
Thanh Loan