Sinh ra và lớn lên tại thôn vùng cao Nà Đấu, xã Hảo Nghĩa (Na Rì, Bắc Kạn), với ý chí và tinh thần ham học hỏi, chàng trai người Nùng Phan Văn Tuân sớm nhận ra lợi thế nuôi gà của mảnh đất vùng cao này.
Tuy nhiên, do cách thức chăn nuôi của người dân nông thôn thường nhỏ lẻ, chủ yếu tự cung tự cấp nên dù có tiềm năng, không mấy ai ở vùng đất này có ý định chuyên nghiệp hóa quá trình nuôi gà để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Tiên phong làm giàu
Sau một thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, anh Tuân quyết định đem giống gà Lạc Thủy ở tỉnh Hòa Bình về nuôi thử nghiệm. Theo anh, giống gà Lạc Thủy dễ thích nghi với điều kiện khí hậu miền núi vùng cao, có tập tính tự kiếm ăn, sức đề kháng tốt.
Sau khi tìm hiểu, anh đã đầu tư gần 100 triệu đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng chuồng trại, nhà kho để nuôi gà… và mua 2.000 con gà giống Lạc Thủy về nuôi. Thời điểm đó, mỗi con giống có giá 18.000 đồng.
Lo ngại về độ an toàn dịch bệnh của đàn gà, anh Tuân đã mạnh dạn viết thư tham gia chương trình Khởi nghiệp của VTC16 và nhận được sự trợ giúp tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật của chuyên gia chương trình. Lứa gà đầu tiên của anh phát triển tốt, trừ chi phí, anh thu về được hơn 90 triệu đồng, kết quả khởi đầu này đã tạo động lực để anh tiếp tục vươn tới.
Khởi nghiệp ban đầu thành công, anh Tuân tính đến việc vận động người dân liên kết sản xuất để tăng số lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Theo anh Tuân, muốn thực hiện liên kết với đối tác để ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định, lâu dài thì phải có số lượng hàng ổn định, đáp ứng nhu cầu cho họ.
Do đó, anh đã tích cực vận động người dân trong xã cùng thành lập tổ, nhóm sản xuất. Tuy nhiên, với tư duy người dân ở vùng đất Hảo Nghĩa này, 5 ngày mới có một phiên chợ, nuôi cả nghìn con gà thì bán cho ai?
Thậm chí anh Tuân làm cơm mời 20 hộ dân tham dự và bàn chuyện thành lập HTX cùng mình, nhưng chỉ duy nhất một hộ tham gia. "Đó cũng là con số tuyệt vời với tôi lúc đó. Ít nhất mình có cơ hội và hiểu rằng mình không đơn độc", anh Tuân nói
Để thuyết phục được người dân, anh Tuân lại đến từng nhà, phân tích về lợi ích của việc sản xuất theo mô hình HTX, với chuỗi sản phẩm nông nghiệp sạch. Nói đi đôi với thực hành, anh dẫn mọi người lên xem mô hình chăn nuôi gà của gia đình và cam kết sẽ truyền đạt kinh nghiệm, giúp đỡ về kỹ thuật, chịu trách nhiệm nhập con giống, thức ăn…
Chính từ sự kiên trì vận động của anh, đến tháng 9/2016, HTX mang tên Trần Phú được thành lập và là HTX đầu tiên của xã Hảo Nghĩa, với 9 thành viên do anh Tuân làm giám đốc.
Nhận thức được vai trò quan trọng việc liên kết trong sản xuất - tiêu thụ, ngay từ khi thành lập, HTX đã chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chủ động xây dựng phương án hoạt động.
![]() |
Giám đốc Phan Văn Tuân: Khó khăn lớn nhất hiện nay là HTX thiếu đất để mở rộng sản xuất |
Vai trò của liên kết
HTX chú trọng xử lý chất thải chăn nuôi, tận dụng nguồn chất thải gia súc để nuôi giun quế làm thức ăn cho gà. Phân gà được xử lý làm phân hữu cơ bón cây, tạo thành chu trình khép kín đa cây, đa con, tiến tới sản xuất chuỗi giá trị sản phẩm tổng hợp.
Đến nay, trong số các thành viên của HTX, có 7 thành viên tham gia nuôi gà ta thả đồi, với tổng đàn hơn 2 vạn con, thực hiện nuôi gối xoay vòng giữa từng thành viên. Trung bình, mỗi tháng HTX xuất bán ra thị trường khoảng 5 tấn gà thương phẩm.
Khu chăn nuôi của gia đình Giám đốc Phan Văn Tuân lớn nhất, với hơn 3 ha thuê của người dân địa phương. Các thành viên khác chủ yếu là đất của gia đình, với diện tích khoảng 3.000 - 5.000 m2. Hiện nay, thành viên nuôi nhiều nhất là 6.000 con, nuôi ít nhất 2.000 con gà. Bên cạnh nuôi gà, một số thành viên còn trồng cây lâm nghiệp, nuôi lợn…
"Nếu nuôi lợn phải chịu sự chi phối của thị trường, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Nhưng với gà, tôi thấy chưa bao giờ thừa hay ế cả. Bởi nhu cầu trong nước luôn ổn định. Do đó, sản phẩm của HTX Trần Phú sản xuất ra đều được tiêu thụ dễ dàng, các tư thương tìm đến tận hộ mua", anh Tuân phân tích.
Nói về những dự định trong thời gian tới, Giám đốc Phan Văn Tuân cho biết: Với mục tiêu phát triển mô hình chăn nuôi, trồng trọt, HTX sẽ hình thành các tổ sản xuất như chăn nuôi nuôi gà, trâu bò, trồng rau bồ khai, cây ăn quả…
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là HTX còn thiếu diện tích đất để mở rộng sản xuất, phải đi thuê ở nhiều địa điểm khác nhau, dẫn tới khó khăn trong xây dựng chiến lược sản xuất lâu dài và đầu ra ổn định cho sản phẩm của mình.
Hồng Nhung