Theo thống kê sơ bộ của Thời báo Kinh Doanh, trong 6 tháng đầu năm số lượng cổ phiếu phải rời sàn niêm yết áp đảo số doanh nghiệp niêm yết mới.
Tại HNX và HoSE, trong khi đón chào 13 doanh nghiệp niêm yết mới nhưng lại chia tay đến 20 doanh nghiệp, trong đó chỉ có 3 doanh nghiệp xin hủy niêm yết tự nguyện còn lại là bắt buộc với lý do thua lỗ 3 năm liên tiếp hoặc vi phạm quy định về công bố thông tin, kiểm toán từ chối cho ý kiến với báo cáo tài chính…
Các “tân binh” gặp khó
Trong những tháng đầu năm, đặc biệt là quý II, thị trường chứng khoán giao dịch trầm lắng, dù chỉ số Vn-Index vẫn ghi nhận mức tăng trưởng cao nhưng thanh khoản thị trường lại sụt giảm mạnh với giá trị bình quân đạt 3.930 tỷ đồng/ ngày, giảm 29,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Với diễn biến của thị trường chung kém tích cực đã khiến các “tân binh” gặp khó. Quy luật sẽ tăng mạnh thời gian mới lên sàn trong quá khứ hiện nay đã không còn, nhiều cổ phiếu chào sàn cũng không dễ dàng tìm kiếm được mức tăng trưởng.
Có thể ví dụ về trường hợp cổ phiếu IPH của công ty TNHH MTV In và Phát hành biểu mẫu Thống kê thời gian gần đây khi chào sàn với mức giá tham chiếu 411.000 đồng/cp đã phá vỡ mọi kỷ lục về giá chào sàn từ trước đến nay của thị trường.
Tuy nhiên, ngay phiên chào sàn (3/7) cổ phiếu này đã giảm kịch sàn (40% – sàn UPCoM) xuống còn 246.600 đồng/ cp, tiếp đó IPH tiếp tục có thêm 1 phiên giảm sàn và 1 phiên giảm sâu đưa thị giá cổ phiếu về mức 185.000 đồng/cp, tổng mức giảm lên tới 226%.
Đặc biệt, thanh khoản của cả 3 phiên có giao dịch kể trên đều chỉ ghi nhận 100 đơn vị, những phiên còn lại khối lượng khớp lệnh chỉ là con số 0.
Ghi nhận mức giá giảm so với mức giá chào sàn cũng phải kể đến cổ phiếu ILB của công ty CP ICD Tân Cảng – Long Bình. Chính thức niêm yết từ giữa tháng 5/2019 với mức giá khởi điểm là 22.000 đồng/cp đến nay, thị giá của ILB chỉ còn 18.600 đồng/cp, tương đương mức giảm 15,5%.
Trong khi ICD Tân Cảng – Long Bình được đánh giá là doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh mang lại biên lợi nhuận cao, cổ phiếu có thể duy trì mức tăng trưởng trung bình 10%/năm.
Hay như cổ phiếu EVS của công ty CP Everest, chào sàn HNX ngày 26/6 với mức giá tham chiếu 10.700 đồng/cp, sau gần 1 tháng giao dịch, thị giá của EVS chỉ còn 9.100 đồng/ cp, giảm 15%. Trước đó, đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của EVS trên UPCoM cổ phiếu này có giá 11.600 đồng/cp
Kể từ khi niêm yết đến nay, diễn biến giao dịch của EVS chỉ ghi nhận đúng 3 phiên tăng giá với mức tăng không đáng kể, 6 phiên giữ nguyên giá tham chiếu còn lại là đóng cửa trong sắc đỏ.
Ngoài ra, SHE của công ty CP Phát triển năng lượng Sơn Hà, PHN của công ty CP Pin Hà Nội, PGN của công ty CP Phụ Gia Nhựa… cũng là những cái tên ghi nhận mức giảm sau niêm yết.
Trong lịch sử hình thành và phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam đã có quá nhiều bài học về những cổ phiếu được các doanh nghiệp “đánh bóng” trước khi lên sàn.
![]() |
Thị trường chứng khoán đã qua thời dễ dãi |
Đã có sự trả giá
Mục tiêu chung của các doanh nghiệp khi niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán là nâng cao hình ảnh của doanh nghiệp với cổ đông, đối tác, đồng thời là một kênh huy động vốn nhằm phục vụ cho các kế hoạch kinh doanh, mở rộng sản xuất.
Chính áp lực này đã khiến ban lãnh đạo doanh nghiệp đều muốn giá trị cổ phiếu của mình thật cao trên sàn niêm yết nhưng việc định giá quá bất hợp lý sẽ gây tác dụng ngược, đánh mất niềm tin nơi cổ đông.
Giá chào sàn của một cổ phiếu được xác định bằng nhiều phương pháp, nhưng phổ biến nhất là phương pháp P/E và phương pháp chiết khấu luồng cổ tức. Trong nhiều trường hợp, định giá cổ phiếu còn tính cả yếu tố “tài sản ngầm” của doanh nghiệp.
Như với trường hợp của IPH, nhìn vào quy mô và hiệu quả hoạt động của công ty này thì mức giá chào sàn 411.000 đồng/cp là hết sức “trời ơi”. Có chăng lợi thế của doanh nghiệp chỉ đến từ khu đất số 47 – 55 ngõ 54 Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) – đang đặt trụ sở công ty với tổng diện tích là 828m2 có thời hạn 50 năm tính từ 15/10/1993.
Tuy nhiên, khu đất này cũng không thể khiến IPH đạt được mức định giá kỷ lục khi thời hạn sử dụng đất chỉ còn 24 năm.
Nhiều năm trước, các nhà đầu tư không mấy quan tâm đến nền tảng và hoạt động của doanh nghiệp mà chủ yếu chỉ quan tâm tới giá cổ phiếu.
Các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán chắc hẳn không quên diễn biến của cổ phiếu ROS (FLC Faros) với tốc độ tăng giá chóng mặt từ mức giá chào sàn 10.500 đồng/cp, cổ phiếu ROS tăng phi mã lên các đỉnh cao mới, đạt đỉnh 214.000 đồng/cp. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại thị giá cổ phiếu này rơi về mức 27.700 đồng/cp, đánh rơi hơn 87% giá trị so với đỉnh.
Kể từ khi xác lập đỉnh giá cao và tạo thanh khoản lớn rồi rơi vào chu kỳ giảm mạnh có vẻ như là mẫu số chung của các mã liên quan tới Tập đoàn FLC, khiến không ít nhà đầu tư bị thiệt hại, cắt lỗ…
Nhìn chung, thời dễ dãi của thị trường đã qua, doanh nghiệp có kết quả kinh doanh không ấn tượng, những cổ phiếu có diễn biến giao dịch lạ sẽ không còn thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Sự bình tĩnh trong kinh doanh và cẩn trọng trong bảo toàn vốn là vấn đề được các nhà đầu tư đặt lên hàng đầu hiện nay.
Linh Đan