Hiện, không ít doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính (BCTC) quý IV và cả năm 2018 với đầy đủ các màu sắc cả tươi sáng và u ám. Trong khi ngành ngân hàng "tưng bừng" với những con số nghìn tỷ đồng thì ngành dầu khí lại đánh dấu một năm "kinh tế buồn".
Thông thường, những con số trên BCTC sẽ phản ánh "sức khỏe" của doanh nghiệp từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến giá cổ phiếu. Kịch bản chung là "tăng cùng tăng và giảm cùng giảm" nhưng cũng vẫn có sự lệch pha.
Nhiều kỳ vọng
Vietcombank (mã: VCB) là ngân hàng có con số lợi nhuận cao nhất ngành ngân hàng với 18.356 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất, tăng hơn 63% so với năm 2017.
Tại ngày 31/12/2018, tổng tài sản của Vietcombank đạt 1,07 triệu tỷ đồng, tăng nhẹ 3,6% so với đầu năm; tổng dư nợ cho vay khách hàng đạt 622.358 tỷ đồng, tăng 16,3%; huy động tiền gửi đạt 802.223 tỷ đồng, tăng 13,2% so với đầu năm.
Liên tục lãi kỷ lục những năm gần đây đã giúp phần lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Vietcombank gia tăng nhanh chóng, hiện đã lên hơn 20.000 tỷ đồng, tương đương 56% vốn điều lệ.
Những thông tin tích cực này đã hỗ trợ cổ phiếu VCB tăng từ mức giá 53.600 đồng/cp (phiên 28/12) lên 55.900 đồng/cp (phiên 15/1), tương đương 4,3%, hiện vẫn đang duy trì tại mức giá 55.800 đồng/cp.
Trong những ngày đầu năm 2019, Ngân hàng TMCP Á Châu (mã: ACB) cũng công bố những con số tăng trưởng trong năm 2018 với lợi nhuận trước thuế năm 2018 đạt 6.388 tỷ đồng, tăng 2,4 lần so với năm 2017; tổng tài sản đạt 329.000 tỷ đồng, tăng 16% so với năm trước, trong đó huy động đạt 270.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 228.000 tỷ đồng.
Do đó, cổ phiếu ACB sau khi điều chỉnh về mức giá 28.100 đồng/cp (phiên 3/1) đã hồi phục về mức giá 29.200 đồng/ cp như hiện tại, thậm chí phiên giao dịch ngày 21/1 ACB còn tăng lên 29.500 đồng/cp.
Tương tự, với mức lợi nhuận lên tới 10.700 tỷ đồng, cổ phiếu TCB của Techcombank cũng tăng từ 25.000 đồng/cp (phiên 3/1) lên 26.650 đồng/ cp (phiên 28/1), tương đương 6,6%.
Nhiều nhóm ngành khác cũng công bố kết quả kinh doanh khả quan. Điển hình như CTCP Vĩnh Hoàn (mã: VHC) đã công bố BCTC quý IV với doanh thu thuần đạt 2.754 tỷ đồng, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 416 tỷ đồng, gấp hơn hai lần năm 2017.
Lũy kế cả năm 2018, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu đạt 9.323 tỷ đồng, tăng 14%; lợi nhuận sau thuế đạt 1.452 tỷ đồng, gấp 2,4 lần năm trước; thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) đạt 15.585 đồng.
Mặc dù chỉ mới công bố kết quả kinh doanh nhưng với những thông tin được cập nhật liên tục trong những tháng cuối năm đã hỗ trợ cổ phiếu VHC bật tăng mạnh mẽ.
Sau phiên giảm sàn về mức 88.000 đồng/cp đầu năm 2019, cổ phiếu VHC đã bật tăng mạnh mẽ, lên 99.300 đồng/cp (phiên 24/1), tương đương gần 13%.
Hiện, VHC đã có sự điều chỉnh về mức 90.000 đồng/cp nhưng việc tăng mạnh rồi điều chỉnh là diễn biến bình thường của cổ phiếu, kỳ vọng vàp VHC của nhà đầu tư không hề suy giảm.
Xét trên góc độ nhà đầu tư chứng khoán, việc đọc và phân tích BCTC nhắm ba mục đích: đánh giá sức khỏe tài chính doanh nghiệp; tìm dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro; quyết định đầu tư.
![]() |
Những con số trên BCTC là biết nói nhưng cũng có thể nói dối |
Đừng vội tin!
Thông thường, các con số BCTC sẽ là điểm đáng tin cậy đối với các nhà đầu tư, nhưng những con số này có thể là những con số biết nói nhưng chúng nói thật hay nói dối thì có lẽ chỉ có người lập, người kiểm soát hay một số ít người biết được.
Trên thực tế, có khá nhiều doanh nghiệp đã thay đổi hoàn toàn cục diện BCTC sau kiểm toán với những sự hao hụt về nặng nề về cả doanh thu và lợi nhuận, thậm chí chuyển từ lãi sang lỗ.
Tại mùa BCTC bán niên 2018 vừa qua, CTCP SPI (Đá Spilit – mã: SPI) đã công bố BCTC sau kiểm toán khiến các nhà đầu tư "ngã ngửa" khi chuyển từ lãi nhẹ hơn 25 tỷ đồng theo số liệu công ty tự lập thành lỗ gần 1,05 tỷ đồng.
Nguyên nhân là do công ty đã điều chỉnh tăng chi phí trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho đối với các hàng hóa có thời gian lưu kho trên 12 tháng từ 5% lên 10%.
Điều này đã khiến cổ phiếu SPI liên tiếp dò đáy, hiện chỉ còn giao dịch tại mức giá 600 đồng/cp giảm 83% so với hồi đầu năm 2018.
Hay một "chiêu" khác như CTCP Dược phẩm Cửu Long (mã: DCL) đã từng phải giải trình về vấn đề liên quan đến nghi vấn có một giao dịch lòng vòng khép kín giúp công ty tránh được nợ xấu.
Theo nghi vấn này, một lô hàng hóa luân chuyển từ Dược phẩm Cửu Long sang công ty An Tâm rồi lại chuyển sang một công ty con của Dược phẩm Cửu Long là VPC Sài Gòn rồi lại quay về điểm xuất phát chỉ trong 3 ngày (từ 7-9/12/2013).
Dù đã được giải trình là một nghiệp vụ kinh doanh bình thường, nhưng những nhà đầu tư vẫn có thể hoài nghi rằng số hàng hóa này vẫn được nằm trong kho của Dược phẩm Cửu Long và chỉ có những bộ hồ sơ mua bán hàng hóa từ đây có thể tạo ra một bức tranh đẹp hơn về tình hình tài chính và kết quả kinh doanh của công ty.
Hay CTCP Vận tải và Thuê tàu (mã: VFR) cũng đã từng bị UBCKNN ban hành quyết định xử phạt do công bố thông tin BCTC hợp nhất quý IV/2014 do không kết toán các khoản đầu tư vào các công ty liên doanh, liên kết khi lập BCTC.
Mỗi nhà đầu tư sẽ mang theo mình những "bí kíp" đầu tư trong mùa BCTC khác nhau nhưng những con số về doanh thu và lợi nhuận chưa hẳn đã phản ánh hết nội tại doanh nghiệp mà còn nhiều yếu tố khác nữa như danh sách cổ đông, lịch sử chi trả cổ tức… Đây cũng là một trong những yếu tố cần lưu ý khi quyết định đầu tư.
Linh Đan