Việc gắn kết chặt chẽ giữa HTX, doanh nghiệp với bà con nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đã nâng cao đời sống, kinh tế cho người dân. Tuy nhiên, ngay chính kinh tế hợp tác cũng còn nhiều khó khăn, nên chưa phát huy cao vai trò đóng góp của khu vực này vào phát triển vùng dân tộc thiểu số.
![]() |
Khu vực đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Tam Đảo đang chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tiếp thu và áp dụng các kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. |
Đời sống người dân tộc thiểu số được nâng cao
Theo UBND huyện Tam Đảo, toàn huyện có 4 xã thuộc khu vực II và 3 thôn đặc biệt khó khăn là Đạo Trù Thượng, Đạo Trù Hạ, Tiên Long thuộc xã Đạo Trù. Toàn huyện có gần 84.000 nhân khẩu, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 42% tổng dân số toàn huyện, chủ yếu là dân tộc Sán Dìu.
Việc triển khai dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tiếp thu và áp dụng các kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, từng bước thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, quy mô sản xuất được mở rộng, các ngành nghề, dịch vụ, phục vụ sản xuất được chú trọng và phát triển hơn.
Hai năm trở lại đây, bà con dân tộc Sán Dìu, ở thôn Lưu Quang, xã Minh Quang đã có sự thay đổi lớn trong nếp nghĩ, cách làm. Từ chỗ chỉ trồng ngô, trồng sắn, hiệu quả kinh tế thấp nên đời sống khó khăn, bà con được cán bộ địa phương động viên, tạo điều kiện vay vốn, tập huấn kiến thức để chuyển đổi phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chăn nuôi hiệu quả.
Điển hình như gia đình chị Lưu Thị Tám, thị trấn Đại Bình (Tam Đảo) - là người dân tộc Sán Dìu, trước đây gia đình chị chỉ biết dựa vào rừng, cuộc sống hêt sức khó khăn. Vì vậy, chị đã tìm cách di thực cây trà hoa vàng từ trên núi về vườn nhà để trồng.
Một thời gian trồng tại vườn, chị Tám nhận thấy cây trồng này phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của vùng chân núi, quá trình chăm sóc cũng không tốn kém thời gian, chi phí. Với số vốn tích cóp được và được cán bộ địa phương động viên, tạo điều kiện vay vốn, chị Tám đầu tư trồng hơn 600 cây trà hoa vàng để phát triển kinh tế gia đình.
Hiện nay, chị Tám đã nhân giống thành công và xây dựng thương hiệu “Trà hoa vàng Hoàng Long” với nhiều loại trà: Kim hoa trà, Trà hoa vàng Tam Đảo, Trà hoa vàng lá dày, hải đường vàng… đáp ứng nhu cầu của người dân trong và ngoài tỉnh. Trên thị trường, trà hoa vàng tươi có giá từ 1 - 1,3 triệu đồng/kg, trà khô giá từ 14-15 triệu đồng/kg. Với giá bán như vậy, trừ chi phí, gia đình chị Tám thu nhập 400-500 triệu đồng/năm; tạo việc làm cho 5-6 lao động với thu nhập trung bình 3-4 triệu đồng/người/tháng.
Trong mục tiêu xoá đói giảm nghèo ở huyện Tam Đảo không thể thiếu vai trò của HTX. Điển hình như HTX tinh bột nghệ Tam Đảo, được thành lập trên cơ sở tự nguyện tham gia của 17 thành viên, nhưng đến nay đã mở rộng quy mô, kết nối thêm nhiều gia đình cùng sản xuất tinh bột nghệ, giúp hàng chục thành viên vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo. Hiện, HTX còn tạo việc làm cho gần 10 lao động địa phương với mức lương từ 6 - 9 triệu đồng/tháng.
Được biết, các sản phẩm tinh bột nghệ có giá 250.000 đồng/hộp, viên tinh bột nghệ mật ong có giá 275.000 đồng/hộp. Sau khi trừ mọi chi phí, mỗi hộ gia đình thu lãi từ 200 - 300 triệu đồng/năm.
Giải pháp cụ thể
UBND huyện Tam Đảo cho biết, có nhiều HTX đã thay đổi tư duy sản xuất với phương án kinh doanh khoa học, phù hợp với yêu cầu thực tế tại địa phương và hoạt động ngày càng hiệu quả, mang lại lợi ích tối đa cho các thành viên, trong đó có nhiều thành viên là người dân tộc thiểu số, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
![]() |
Cần đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác, HTX vùng dân tộc thiểu số và miền núi để nâng cao thu nhập cho người dân, đảm bảo an sinh xã hội. |
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, song khu vực kinh tế hợp tác của huyện Tam Đảo vẫn còn một số khó khăn do quy mô đa phần nhỏ, phát triển chưa đồng đều, chưa tạo được sự liên kết bền vững.
Nhiều HTX có cơ sở vật chất kỹ thuật lạc hậu, xuống cấp; thiếu vốn, thiếu mặt bằng, nhà xưởng để sản xuất. Trình độ đội ngũ cán bộ quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong giai đoạn hiện nay, phương thức kinh doanh chưa phù hợp và theo kịp với sự phát triển. Sản phẩm làm ra còn đơn điệu, chưa có thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường.
Lãnh đạo huyện Tam Đảo cho biết, thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh về thuế, tín dụng, đất đai, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tập thể phát triển; tích cực tư vấn cho các HTX sắp xếp, cơ cấu lại bộ máy.
Cùng với đó, chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật và thành viên HTX nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm; tăng cường cung cấp thông tin, tiếp thị, hướng dẫn xúc tiến thương mại cho các HTX…
Các chuyên gia cho rằng, một trong những giải pháp có tính chiến lược và nhu cầu khách quan là phải đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác, HTX vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Liên minh HTX tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục rà soát, xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ các HTX tháo gỡ khó khăn đẩy mạnh phát triển sản xuất; phát huy tốt vai trò của thành viên HTX trong tổ chức sản xuất, liên kết giữa các thành viên với thành viên, thành viên với HTX. Đồng thời, tích cực hỗ trợ các HTX xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm tạo sự ổn định trong khâu tiêu thụ nông sản.
Hoàng Hà