Theo báo cáo của Bộ Công Thương, từ đầu tháng 9/2018 đến nay, giá lợn hơi trên cả nước vẫn duy trì ở mức cao là do các trang trại đang có xu hướng giữ đàn lợn, hạn chế bán ra. Dự báo, giá lợn hơi tại thị trường trong nước sẽ tiếp tục ở mức cao.
Không tác động nhiều tới CPI
Theo khảo sát của Bộ Công Thương trong 20 ngày đầu tháng 9/2018, tại nhiều địa phương giá lợn hơi tăng tới 2.000 đồng/kg so với cuối tháng 8/2018, nguyên nhân là do nguồn cung giảm nhẹ và tiêu thụ đang tốt lên.
Tại miền Bắc, hiện giá lợn hơi dao động trong ngưỡng 53.000 - 55.000 đồng/kg. Tại miền Trung, Tây Nguyên, hiện giá lợn hơi dao động trong ngưỡng 50.000 - 53.000 đồng/kg. Tại miền Nam, hiện giá lợn hơi dao động trong ngưỡng 47.000 - 53.000 đồng/kg.
Bộ NN&PTNT cũng cho biết thời gian qua giá lợn hơi tăng và luôn dao động ở mức 52.000 - 55.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, trả lời câu hỏi về việc giá thịt lợn tăng có thể kéo theo lạm phát tăng mạnh, ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cho rằng điều này không đáng lo ngại. Giá lợn có tăng nhưng đang có dấu hiệu chùng xuống.
Cụ thể, giá lợn hơi giữa tháng 6 tăng tới 60% so với tháng tháng 5/2018. Đến tháng 7, giá lợn hơi chỉ tăng 20% so với tháng 6. Bước sang tháng 8, giá lợn bắt đầu chững lại và tháng 9 giá lợn tăng hơn 13% so với tháng 8/2018.
“Như vậy, giá lợn tăng có tác động đến CPI, nhưng không đáng kể”, ông Dương khẳng định.
Đặc biệt, ông Dương nói thêm giá lợn hơi trong nước tăng là do hoạt động chăn nuôi, giết mổ và nhu cầu trong nước quyết định chứ không vì yếu tố hạn chế nhập khẩu hay diễn biến dịch tả lợn châu Phi trên thế giới.
Một số nơi giá lợn hơi tăng lên tới 55.000 đồng/ kg, nhưng đây chỉ là hiện tượng cục bộ, chủ yếu ở khu vực giết mổ nhỏ lẻ, không phải là mức giá phổ biến cả nước.
Dự báo về nguồn cung trong thời gian tới, theo ông Dương, các cơ sở chăn nuôi đang chuẩn bị nguồn hàng, phục vụ cho dịp lễ, Tết cuối năm 2018 nên tổng đàn lợn cả nước tăng nhanh hơn so với thời gian trước.
“Từ nay đến cuối năm, nếu không xảy ra dịch bệnh, nguồn cung lợn hơi trong nước sẽ không thiếu. Ngay từ thời điểm giữa năm, khi giá lợn hơi tăng, nhiều hộ tái đàn”, ông Dương khẳng định.
![]() |
Từ nay đến cuối năm, nguồn cung thịt lợn trong nước sẽ không thiếu |
Nguồn cung không thiếu
Báo cáo từ Tổng cục Thống kê cũng cho biết, trong tháng 9/2018, tình hình chăn nuôi trên cả nước ổn định và sự phục hồi giá lợn hơi thúc đẩy các hộ tái đàn trở lại, giúp đàn lợn cả nước tăng 1,8% so với năm ngoái.
Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT tiếp tục chỉ đạo các địa phương nghiêm túc thực hiện việc chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi vào Việt Nam.
Cụ thể, Bộ NN&PTNT yêu cầu Cục Thú y theo dõi, đôn đốc và chủ động phối hợp với các địa phương ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam. Ngành thú y tăng cường công tác chống buôn lợn và các sản phẩm của lợn từ nước ngoài vào Việt Nam.
Đồng thời, theo dõi, bám sát cung, cầu, đặc biệt là thị trường thịt lợn trong nước và các nước láng giềng; chỉ đạo sát phương án sản xuất kinh doanh bảo đảm đủ nguồn cung từ nay đến cuối năm và cho xuất khẩu.
Bộ NN&PTNT cũng nỗ lực hoàn thiện dự thảo Luật Chăn nuôi trình Quốc hội khóa kỳ họp thứ 6 thông qua.
Theo Bộ Công Thương, dịch tả lợn châu Phi chưa vào Việt Nam. Do đó, người dân nên bình tĩnh, bởi lượng lợn hơi trong dân tuy có giảm, nhưng số lượng lợn hơi đang thời kỳ cho thịt tại các trang trại, DN hiện không thiếu.
Theo tổng hợp báo cáo của một số DN chăn nuôi lớn, hiện nay đàn lợn nái nuôi tại các DN đã tăng bình quân 11,5% so với cùng kỳ năm 2017. Ngoài ra, khi giá thịt lợn hơi ở mức cao một bộ phận người tiêu dùng đã chuyển sang tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi khác, như thịt bò, thịt gia cầm hay sản phẩm từ thủy sản, nên giảm áp lực đến nguồn cung sản phẩm thịt lợn.
Trước đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ NN&PTNT phải thận trọng trong việc tái đàn ồ ạt, vì sẽ làm người chăn nuôi thua thiệt. Bên cạnh đó, bộ phải có ngay biện pháp cụ thể để bình ổn giá mặt hàng thịt lợn, có kịch bản và đề xuất biện pháp điều hành cung cầu cụ thể báo cáo Chính phủ.
Thy Lê