Đây là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại phiên giải trình và trả lời chất vấn của Quốc hội vừa diễn ra.
Tìm rõ căn nguyên của bất cập
Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tính tháng 10/2020, cả nước đã có 86,25 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). Riêng trong tháng 10, toàn ngành đã chi trả chi phí khám chữa bệnh BHYT cho 15.427 triệu lượt người với số chi 9.344 tỷ đồng.
![]() |
Cả nước đã có 86,25 triệu người tham gia BHYT. |
Tuy vậy, thời gian qua, chính sách thanh toán của BHYT vẫn gặp phải nhiều vấn đề bất cập. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (tỉnh Kiên Giang), phản ánh các bệnh nhân khám bệnh bằng BHYT nhưng vẫn phải ra hiệu thuốc mua theo đơn của bác sĩ điều trị.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, để khắc phục triệt để tình trạng này cần phải nhìn nhận đúng nguyên nhân. Theo Phó Thủ tướng, có hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, nhiều ý kiến, kể cả các bác sĩ, nói rằng chính sách thanh toán của BHYT không phù hợp. Điều đó đúng sự thực nhưng có căn nguyên. Hiện nay, mệnh giá một người đóng BHYT trung bình có tăng lên nhưng mới đạt 1,1 triệu đồng/người/năm, so với các nước trong khu vực như Philippines chỉ bằng 1/3, so với Thái Lan chỉ bằng 1/4.
Trong khi về giá thuốc, Việt Nam sản xuất được nhiều thuốc nhưng hơn 90% nguyên liệu vẫn phải nhập từ nước ngoài nên giá thuốc theo mặt bằng quốc tế. Việt Nam đã cố gắng giảm giá thuốc rẻ hơn các nước trong ASEAN nhưng cũng chỉ rẻ hơn 10-15%, vì vậy, BHYT không thể thanh toán tất cả các loại thuốc, mà thường xu thế chỉ thanh toán những loại thuốc tạm gọi là thông thường, còn những loại thuốc đắt tiền, thuốc phát minh (thường gọi là biệt dược gốc), nhiều loại người bệnh phải bỏ tiền túi. Hàng năm, Việt Nam chi phí khoảng 120.000 tỷ đồng tiền thuốc thì BHYT thanh toán khoảng 36-37%.
Để khắc phục vấn đề này, Phó Thủ tướng cho rằng, Việt Nam phải duy trì, tăng tỷ lệ bao phủ BHYT, hiện là 90,7%, và phải tăng mệnh giá. Muốn vậy, thu nhập người dân phải tăng lên, phần ngân sách nhà nước hỗ trợ cũng phải có nguồn thu nhiều hơn. Đây là một quá trình dài hơi, liên tục, cần phải tiếp tục cố gắng.
Nguyên nhân thứ hai, rất nhiều bệnh nhân phản ánh và đánh giá rằng do có tiêu cực, sự móc nối giữa bác sĩ điều trị và các trình dược viên, các công ty thuốc, nhà thuốc, kê đơn ra để ăn hoa hồng. Việc này trong nhiều năm, ngành y tế đã chỉ đạo rất quyết liệt và có thể nói rằng có hiện tượng đó nhưng không phải là tất cả. Để khắc phục nguyên nhân này chỉ có một cách là công khai, minh bạch hết bằng công nghệ thông tin. Hiện có đến hơn 20.000 loại thuốc và dịch vụ, hàng triệu lượt khám chữa bệnh một năm, nên không thể nào kiểm soát được nếu không tin học hóa. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế, những năm vừa qua đã làm rất tốt.
Mở rộng phạm vi thanh toán BHYT
Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, để có một cuộc sống tốt hơn cho các gia đình Việt Nam, đòi hỏi hệ thống chăm sóc sức khỏe có chất lượng, dễ dàng tiếp cận và chi phí hợp lý. Thành quả chống dịch Covid-19 đã cho thấy tính ưu việt của hệ thống y tế công lập nước ta, chúng ta đã kiểm soát được sự lây lan và giảm thiểu tác hại của Covid-19.
“Đến nay, sau nhiều nỗ lực, chúng ta đã bao phủ được mạng lưới BHYT toàn dân lên gần 91% so với 75% cách đây hơn 4 năm, bảo hiểm xã hội cũng được mở rộng chiếm 30% lực lượng lao động, tăng gấp 1,3 lần so với năm 2015”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, chắc chắn ngành y tế vẫn còn nhiều việc phải làm, nhiều hạn chế, bất cập. Chúng ta cần kiểm soát tình trạng thương mại hóa quá mức, “tiền nào của nấy” về chất lượng điều trị, chăm sóc sức khỏe y tế cho nhân dân. Chính phủ sẽ nỗ lực tăng cường khả năng đáp ứng của hệ thống y tế dự phòng, đưa y tế đến gần người dân hơn ở khắp mọi miền đất nước nhưng với một chi phí thấp hơn, thúc đẩy hệ thống y tế từ xa.
“Như nhiều vị đại biểu Quốc hội đã có ý kiến, chúng ta sẽ từng bước mở rộng độ bao phủ của BHYT toàn dân, đồng thời mở rộng phạm vi thanh toán BHYT, nhất là đối tượng trẻ em, người già, người có hoàn cảnh khó khăn. Người già phải được chăm sóc y tế tốt hơn; trẻ em, đặc biệt là trẻ em từ 6 - 11 tuổi, tiếp đến là trẻ em dưới 16 tuổi theo quy định của Luật Trẻ em sẽ cần được nhà nước chi trả BHYT hoàn toàn”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Chính phủ sẽ quyết tâm cải thiện tình trạng quá tải bệnh viện, chất lượng dịch vụ y tế gắn với cơ chế tiền lương, viện phí.
Thủ tướng đề nghị ngành y tế phải có trách nhiệm đảm bảo tính minh bạch về viện phí hơn nữa, kiểm soát tốt hơn chi phí dược phẩm, phác đồ và thuốc chữa bệnh cũng như vật tư, thiết bị y tế.
"Chính phủ sẽ nỗ lực để không ai bị bỏ rơi, hướng đến những người mắc các bệnh hiểm nghèo như ung thư, HIV/AIDS… sẽ được chăm sóc y tế hợp lý hoặc được BHYT chi trả, trước mắt là bệnh nhi ung thư. Mỗi trẻ em là tài nguyên quý giá của dân tộc, do đó chúng ta phải có trách nhiệm rất lớn đối với thế hệ tương lai của đất nước”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thy Lê