Nhằm hạn chế thực phẩm không có nguồn gốc, kém chất lượng và đảm bảo sức khỏe cho người dân, ngành nông nghiệp, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện các mô hình, chuỗi sản xuất và kinh doanh thực phẩm an toàn để cung cấp sản phẩm sạch cho người dân, đặc biệt vùng DTTS.
Giúp người DTTS có nguồn thực phẩm an toàn
Quan Hoá là huyện vùng cao, biên giới, cách trung tâm tỉnh Thanh Hoá 140 km về phía Tây, theo quốc lộ 47 và quốc lộ 15A. Toàn huyện có 17 xã và 1 thị trấn, 123 chòm bản, khu phố với tổng diện tích tự nhiệm 99.013,68 ha. Phía Bắc giáp huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La; huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Phía Nam giáp với huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào và huyện Quan Sơn. Phía Đông giáp với huyện Bá Thước, và có chung đường biên giới 4,8km với nước bạn Lào tại xã Hiền Kiệt.
Toàn huyện có 10.762 hộ với 47.335 người, gồm 5 dân tộc anh em sinh sống: Dân tộc Thái chiếm 65,61%; Dân tộc Mường, Dân tộc Kinh, Dân tộc HMông và Dân tộc Hoa. Quan Hóa là 1 trong 62 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Trong những năm qua, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh biên giới, lãnh thổ tương đối ổn định.
Để đảm bảo sức khỏe cho người dân, giai đoạn 2017-2019, huyện Quan Hóa đã chỉ đạo 18 xã, thị trấn thực hiện tốt công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời treo 118 băng rôn, thành lập 109 tổ giám sát cộng đồng, tập huấn về an toàn thực phẩm cho các hộ sản xuất, chế biến, kinh doanh. Toàn huyện phấn đấu xây dựng 9 xã, thị trấn đạt tiêu chí an toàn thực phẩm trong năm 2019 và 9 xã còn lại hoàn thành vào năm 2020. Qua đó, giúp người dân miền núi có nguồn thực phẩm sạch sử dụng, đảm bảo sức khỏe.
Thực hiện xây dựng các mô hình, chuỗi sản xuất và kinh doanh thực phẩm an toàn, đến nay, huyện Quan Hóa đang có 5 bếp ăn tập thể được công nhận bếp ăn an toàn, 1 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, 3 cửa hàng được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Hiện, trên địa bàn huyện đang có 510 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó có 17 cơ sở được cấp giấy xác nhận nguồn gốc xuất xứ đối với sản phẩm.
![]() |
Nhiều hộ dân hăng hái tham gia vào chuỗi cung ứng rau củ an toàn (ảnh minh họa) |
Huyện Quan Hóa cũng đã xây dựng các mô hình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn, trong đó mô hình chuỗi cung ứng rau, củ, quả sạch đang mang lại hiệu quả cao. Huyện đã hỗ trợ 26 hộ dân sống tại xã Xuân Phú và thị trấn Quan Hóa tham gia mô hình về kỹ thuật gieo trồng, chăm bón, thu hái, vận chuyển đến khu chợ tập trung để tiêu thụ đảm bảo sản phẩm; đồng thời các hộ dân cũng ký cam kết không sử dụng chất cấm trong sản xuất
Tại thị trấn Quan Hóa, để xây dựng mô hình chuỗi cung ứng rau, của, quả an toàn, UBND thị trấn Quan Hóa đã hỗ trợ giống cây, khoa học kỹ thuật cho 13 hộ dân trồng rau, quả, thực phẩm sạch để cung cấp ra địa bàn. Tất cả rau, quả đều được trồng tự nhiên trong rừng nên rất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hướng tới các xã đạt chuẩn ATTP
Bá Thước là một trong 7 huyện miền núi gặp khó khăn ở Thanh Hóa và là một trong những huyện nghèo của Việt Nam.
Để thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh thực phẩm và phát triển kinh tế cho người dân trên địa bàn huyện miền núi Bá Thước, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trong năm 2019, huyện Bá Thước đã treo 768 băng rôn khẩu hiệu, 300 tờ gấp, 50 áp phích tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm. Huyện cũng đã xây dựng được 3 cửa hàng thực phẩm sạch, 4 bếp ăn tập thể, 2 chợ an toàn thực phẩm và 1 xã đã đạt chuẩn an toàn thực phẩm.
Huyện cũng tổ chức 6 lớp tập huấn với 580 lượt người tham gia, thành lập 15 chốt/trạm kiểm soát thực phẩm, 205 tổ giám sát cộng đồng thôn/phố, thanh tra 347 cơ sở và xử lý 109 cơ sở vi phạm, cấp 172 giấy xác nhận nguồn gốc xuất xứ, vận động 2.204 cơ sở ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm.
Hiện, huyện Bá thước đã xây dựng được nhiều mô hình, chuỗi sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn gồm chuỗi rau quả an toàn thực phẩm tại xã Điền Lư liên kết với các cửa hàng an toàn thực phẩm, HTX rau an toàn Điền Lý, mô hình giết mổ an toàn với công suất giết mổ 35 con gia súc/ngày đêm.
Bên cạnh đó, huyện cũng đã thực hiện mô hình chợ an toàn thực phẩm gồm chợ Điền Lư và chợ thị trấn Cành Nàng, mô hình cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn, mô hình bếp ăn tập thể trường mầm non và hoàn thành 1 xã đạt chuẩn về an toàn thực phẩm, hiện cuộc sống và sức khỏe của người dân địa bàn ngày càng nâng cao nhờ được sử dụng thực phẩm an toàn.
Trên đây là 2 trong số nhiều địa phương của tỉnh Thanh Hóa có nhiều nỗ lực, cố gắng trong cải thiện điều kiện ăn ở vệ sinh an toàn thực phẩm cho người DTTS. Các địa phương còn lại đã và đang tích cực triển khai nhiều biện pháp để đảm bảo vệ sinh ATTP cho người dân, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới khi nhu cầu thực phẩm của người dân tăng cao.
Thu Thảo