Một số địa phương mới phát hiện dịch bệnh như xã Phục Lễ (Thủy Nguyên), An Thái (An Lão); phường Văn Đẩu (Kiến An)...
Những tác nhân khiến dịch lan rộng
Từ ngày 15/4, người dân phát hiện hàng trăm xác lợn chết dạt vào khu vực cầu Phao Sông Hóa (giữa xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng và xã Thụy Hương, huyện Thái Thụy, Thái Bình) và cầu phao dân sinh - Cầu ông Khởi (giữa xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng và xã Thụy Hồng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình). UBND huyện Vĩnh Bảo đã chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự huyện phối hợp UBND các xã tiến hành thu gom xác lợn chết, chôn hủy theo quy định chống dịch, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Trong ngày 2/5, lực lượng chức năng tiếp tục thu gom thêm 6 xác lợn chết trôi dạt vào khu vực cầu phao sông Hóa. Tổng số xác lợn đã vớt và xử lý tiêu hủy đến nay gần 400 con. Theo nhận định của cơ quan chức năng, các xác lợn trên có thể từ các địa phương phía thượng nguồn của sông Hóa, sông Lô… trôi dạt về.
![]() |
Lực lượng chức năng vẫn tiếp tục kiểm tra, vớt và chôn lấp lợn chết trôi trên sông Hóa thuộc huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng |
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng vẫn phát hiện tình trạng vận chuyển lợn thịt không có giấy kiểm dịch động vật theo quy định. Cụ thể chiều ngày 26/3, tại Quốc lộ 10 thuộc địa bàn xã Tự Cường, huyện Tiên Lãng, Phòng Cảnh sát môi trường – Công an TP Hải Phòng đã kiểm tra 3 xe ô tô chở 64 con lợn thịt từ Hải Dương về Hải Phòng để tiêu thụ. Qua kiểm tra, toàn bộ số lợn trên đều không có giấy chứng nhận kiểm dịch.
Để hạn chế dịch lây lan nhanh trên diện rộng, Sở NN&PTNT Hải Phòng đã có văn bản hỏa tốc gửi Sở NN&PTNT tỉnh Thái Bình về việc phối hợp giám sát, tiêu hủy xác lợn trên sông Hóa, khử trùng tiêu độc đúng quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế dịch bệnh xâm nhập gây thiệt hại cho sản xuất chăn nuôi. Đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân, giám sát chặt chẽ đàn lợn nuôi trên địa bàn; khuyến khích người dân phát hiện tố giác những tổ chức, cá nhân có hành vi vứt xác lợn chết ra ngoài môi trường, để có các biện pháp xử lý kịp thời theo đúng quy định phòng chống dịch hiện hành.
Yêu cầu các trạm, chốt kiểm dịch liên ngành thường trực 24/24 giờ kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn ra - vào thành phố; thực hiện phun khử trùng tiêu độc các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật qua trạm, chốt theo đúng quy định.
Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm an toàn
Ông Phạm Trung Tiến – Chủ tịch UBND xã Dũng Tiến, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng cho biết: Tại xã Dũng Tiến, tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng số lợn bị mắc bệnh. Toàn xã có 400 hộ chăn nuôi lợn, bắt đầu phát hiện dịch tả lợn châu Phi vào trung tuần tháng 4, đến nay số lợn bị chết ngày càng tăng. Trong dịp nghỉ lễ 30/4- 1/5 vừa qua, cán bộ xã trực 24/24 để đi tiêu hủy lợn bị bệnh. Tổng số lợn đã tiêu hủy khoảng 40 tấn.
Chỉ tính riêng trong ngày 2/5, tại Hải Phòng, dịch tả lợn châu Phi phát sinh tại 414 hộ, 53 xã; số lợn tiêu hủy 2.624 con. Như vậy, sau hơn 2 tháng kể từ khi phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên đến nay (tính đến 17h ngày 2/5), tại Hải Phòng, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 12.498 hộ, 956 thôn, 149 xã, phường thuộc 11 huyện, quận. Số lợn bắt buộc phải tiêu hủy 102.339 con, trọng lượng tiêu hủy 5.377.615kg.
![]() |
Kiến Thụy là địa phương đi đầu trong việc thực hiện mở các điểm bán thịt lợn an toàn |
Bà Trịnh Thị Tuyết – Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh - Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng cho biết: Đến ngày 2/5, Chi cục đã tiếp nhận, cung ứng 139.440 lít hóa chất tới các địa phương phục vụ công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, phối hợp Ban chỉ đạo phòng chống dịch các địa phương tổ chức triển khai, hướng dẫn phun hóa chất khử trùng tiêu độc, sử dụng vôi bột tiêu độc tại ổ dịch, vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm... theo quy định. Các địa phương đã sử dụng 2.449.900 kg vôi bột sử dụng tiêu độc khu vực ổ dịch, vùng dịch … theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
Bà Tuyết cũng cho biết thêm: dịch tả lợn châu Phi không lây lan sang người, tuy nhiên từ khi Hải Phòng phát hiện dịch đến nay, tâm lý người tiêu dùng e ngại khi dùng các sản phẩm thịt lợn không rõ nguồn gốc. Nhằm góp phần tiêu thụ sản phẩm thịt lợn khỏe mạnh, rõ nguồn gốc, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật các huyện, quận; Công ty CP chăn nuôi CP Việt Nam - chi nhánh Hải Phòng mở 24 quầy bán thịt an toàn trên địa bàn thành phố (trong đó có 4 quầy do HTX trực tiếp đảm nhận). Tất cả các sản phẩm thịt lợn được bày bán tại quầy này đều có xuất xứ rõ ràng, thực hiện kiểm dịch đầy đủ trước khi bán tới người tiêu dùng.
Thanh Vân