Báo cáo tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020 trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, đến cuối tháng 12/2020, có hơn 15 triệu người tham gia BHXH bắt buộc giảm 153.092 người (tương ứng với 1%) so với năm 2019.
Số người tham gia BHXH bắt buộc giảm
Đây là năm đầu tiên số người tham gia BHXH bắt buộc bị giảm so với năm trước, nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 dẫn đến người lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh bị mất việc làm, không còn thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc.
![]() |
Mở rộng đối tượng tham gia tiến tới thực hiện BHXH toàn dân. |
Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, quy mô các quỹ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tiếp tục tăng hàng năm. Tổng số dư các quỹ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp đến năm 2020 là 953 nghìn tỷ đồng, tăng 14,3% so với năm 2019.
Đặc biệt, năm 2020, tổng số người tham gia BHXH tự nguyện hơn 1.125.000 người, tăng gấp 2 lần so với năm 2019. Tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện so với lực lượng lao động trong độ tuổi năm 2020 là 2,33%. Tổng số tiền thu BHXH tự nguyện năm 2020 là 3.969 tỷ đồng. Tổng số tiền Ngân sách Nhà nước hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện năm 2020 là 137,6 tỷ đồng.
Ông Hoàng Đức Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì, Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển đối tượng tham gia BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang), cho biết: Số người tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp năm vừa qua trên địa bàn Hoàng Su Phì giảm cả đối tượng tham gia BHXH bắt buộc tại các cơ quan, đơn vị sự nghiệp lẫn người lao động tại các doanh nghiệp.
Nguyên nhân là do nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch chịu ảnh hưởng lớn từ dịch COVID-19 tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, việc làm của người lao động. Bên cạnh đó, số người tham gia BHXH bắt buộc giảm do chính sách tinh giản biên chế của Nhà nước.
"Ở huyện Hoàng Su Phì có ít doanh nghiệp đăng ký và hoạt động nên đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp không có nguồn phát triển; các doanh nghiệp, hợp tác xã nhỏ, làm việc theo hợp đồng thuê khoán là chủ yếu", ông Tân nói.
Lợi ích lớn khi tham gia BHXH tự nguyện
Trong bối cảnh khó khăn này, ông Hoàng Đức Tân cho biết Ban Chỉ đạo Phát triển đối tượng tham gia BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp huyện Hoàng Su Phì đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển đối tượng và đảm bảo quyền lợi cho người tham gia. Cụ thể, huyện Hoàng Su Phù đã tập trung triển khai nhiều giải pháp để phát triển đối tượng tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó, tập trung đổi mới, đa dạng hình thức tuyên truyền để phù hợp với các đối tượng khác nhau; làm tốt công tác dân vận, trước tiên là đối với cán bộ chuyên trách thôn, bản và người uy tín trong cộng đồng. Đặc biệt tập trung vào nhóm đối tượng tiềm năng như hộ nông dân, thành viên hợp tác xã có khả năng tham gia.
Hay trước khó khăn phát triển BHXH bắt buộc, BHXH tỉnh Bắc Giang cũng cho biết đã chủ động tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Trên cơ sở chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp, các ngành trong toàn tỉnh đã xác định công tác phát triển BHXH tự nguyện là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp… từ đó đồng loạt vào cuộc tuyên truyền, vận động người dân tham gia.
Để phát triển bền vững ngành BHXH, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung kiến nghị với Quốc hội tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội tại Trung ương và địa phương, đặc biệt là vấn đề về phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; vấn đề về quản lý và sử dụng quỹ BHXH.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội theo định hướng cải cách chính sách BHXH tại Nghị quyết số 28-NQ/TW về mở rộng đối tượng tham gia tiến tới thực hiện BHXH toàn dân; hoàn thiện các quy định về đóng - hưởng BHXH; nâng cao hiệu quả đầu tư quỹ; chặt chẽ hơn trong quy định hưởng chế độ BHXH một lần; sửa đổi các quy định về mức đóng, căn cứ đóng BHXH; sửa đổi quy định tại khoản 2 Điều 92 Luật BHXH về các hình thức đầu tư để phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng.
"Sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm theo định hướng cải cách chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại Nghị quyết số 28-NQ/TW nhằm phát huy đầy đủ các chức năng của bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm bảo hiểm thất nghiệp thực sự là công cụ quản lý thị trường lao động", ông Dung nhấn mạnh.
Được biết, hiện nay, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí và được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng linh hoạt như có thể đóng hàng tháng, 3 tháng, hoặc 6 tháng… mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất là 154.000 đồng/tháng và mức đóng cao nhất là 6.116.000 đồng/tháng, khi đó người lao động đã có ngay chính sách an sinh.
Qua đó cho thấy, số tiền người lao động bỏ ra tuy rất nhỏ, nhưng sẽ được hưởng nhiều lợi ích rất lớn, nhất là chủ động bảo vệ hạnh phúc cho bản thân khi về già.
Thy Lê