Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/4, Vn-Index giảm 31,01 điểm xuống còn 1.167,11 điểm; HNX-Index giảm 2,94 điểm xuống 133,74 điểm.
Thanh khoản tăng đột biến so với các phiên trước, với tổng khối lượng giao dịch đạt 360 triệu cổ phiếu, trị giá 10.700 tỷ đồng.
Cổ phiếu lớn giảm mạnh
Từ phiên giao dịch ngày 10/4, nhịp điều chỉnh đã bắt đầu trước áp lực chốt lời, nhưng hầu hết chỉ tập trung tại nhóm bất động sản. Trong đó, “đại gia” VIC giảm 2,89%, tương đương gần 4.000 đồng xuống còn 131.000 đồng/cổ phiếu.
Kể từ đầu năm đến nay, cổ phiếu của Vingroup đã tăng 74,5% từ mốc giá 77.300 đồng lên 134.900 đồng/cổ phiếu (phiên 9/4), giúp doanh nghiệp này vượt mặt VNM trở thành cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán.
HBC cũng giảm 3,7% về mốc 48.800 đồng/cổ phiếu, do gặp áp lực bán ròng từ khối ngoại; ROS giảm 6,2% về 115.200 đồng/cổ phiếu; TDH, VPH, DXG, DPG, PDR… đều giảm mạnh.
Tuy nhiên, lực cầu đỡ giá hoạt động mạnh mẽ khiến VN-Index thu hẹp đà giảm, chỉ còn giảm 6 điểm, tương đương 0,5%, nhóm cổ phiếu ngân hàng và cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn tiếp tục làm tốt vai trò “bà đỡ” của thị trường.
Theo FPTS, các bluechip đang luân phiên giữ nhịp cho xu hướng ngắn hạn nhưng sự thiếu vắng cổ phiếu thực sự có khả năng dẫn dắt xu hướng là nguyên nhân khiến tâm lý thận trọng vẫn chi phối tại các vùng giá cao trong phiên.
Đón nhận nhiều thông tin tích cực từ thị trường thế giới: chỉ số Dow Jones tăng 428,9 điểm, S&P 500 cộng 43,71 điểm, Nasdaq Composite tăng vọt 143,96 điểm nên khi mở cửa phiên giao dịch ngày 11/4, chỉ số Vn-Index đã xanh trở lại.
Tuy nhiên, khi áp lực bán ồ ạt nhưng lực cầu bắt đáy không hoạt động khiến Vn-Index “lao dốc không phanh” chỉ sau 1 giờ giao dịch và kéo dài đến hết phiên, các trụ đỡ chìm trong sắc đỏ.
Toàn bộ 8 cổ phiếu ngân hàng niêm yết trên sàn HoSE đều giảm mạnh với mức giảm trên 2%; nhóm chứng khoán HCM, SSI, VND… đều sụt giảm mạnh với mức giảm dao động từ 2,5 – 5,9%.
VIC tiếp tục phiên giảm thứ hai, với mức giảm 3,8% xuống 126.000 đồng/cổ phiếu, “người anh em” VRE cũng giảm 3,8% xuống 51.000 đồng/cổ phiếu; ROS giảm sàn 6,94% xuống còn 107.200 đồng/cổ phiếu.
Vn-Index đóng cửa phiên giao dịch ngày 11/4 trong nỗi kinh hoàng của nhiều nhà đầu tư khi bị “cuốn bay” hơn 31 điểm, đây là mức giảm mạnh nhất trong hơn 2 tháng qua kể từ phiên giao dịch ngày 5-6/2.
Trong top 10 mã vốn hóa lớn nhất sàn HoSE, chỉ có SAB đứng ở tham chiếu, VNM giảm nhẹ 0,51%, còn lại đều giảm từ hơn 2% đến hơn 6%. Diễn biến tương tự cũng xảy ra tại sàn HNX khi lực bán ồ ạt đẩy HNX-Index giảm sâu.
![]() |
Những phiên điều chỉnh đã diễn ra đúng như dự báo làm thị trường mất mốc 1.200 điểm |
Có giảm tiếp?
Những rủi ro này của thị trường đã được cảnh báo rất nhiều bởi các chuyên gia, các nhà phân tích, trước sự tăng trưởng “chóng mặt” của thị trường kể từ đầu năm đến nay. Đồng thời cũng đưa ra những cảnh báo về mặt bằng định giá các cổ phiếu “hot” đã quá cao.
Mới đây, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch công ty Chứng khoán SSI, đã chia sẻ: thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong giai đoạn nhạy cảm do có thể bị ảnh hưởng bởi thị trường thế giới nếu cuộc chiến tranh thương mại xảy ra và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng lãi suất.
Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC), thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh khiến thị giá cổ phiếu tăng nhanh, tiềm ẩn rủi ro đảo chiều.
NFSC cho biết thêm: mặt bằng giá trên thị trường đã khá đắt, trong khi dòng tiền từ các quỹ đầu tư thường rút ra khá nhanh nếu xu hướng đảo chiều.
Trong khi đó, từ đầu năm đến giữa tháng 3, khối ngoại đã mua ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam gần 547 triệu USD, trong đó có 485 triệu USD cổ phiếu và 61 triệu USD trái phiếu.
Do đó, thị trường đã tiềm ẩn rủi ro trước việc khối ngoại sẽ “xả hàng”. Lo ngại đó đã xảy khi trong phiên giao dịch ngày 11/4, khối ngoại đã bán ròng hơn 541,8 triệu cổ phiếu , trị giá gần 300 tỷ đồng, VIC đứng đầu danh sách bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất.
Theo công ty Chứng khoán BSC, các chỉ số đang trong đà điều chỉnh sau đợt tăng điểm kéo dài, chờ đợi thông tin từ tình hình kinh tế và chính trị thế giới. Nhà đầu tư nên thận trọng việc giải ngân mới, hạ tỷ lệ margin an toàn khi diễn biến thị trường đang nhạy cảm.
Công ty Chứng khoán HSH cũng khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải và quan sát thị trường để có quyết định hợp ly; còn nhà đầu tư trung và dài hạn tiếp tục nắm giữ những cổ phiếu đang có vị thế tốt trong danh mục và có thể tận dụng những phiên điều chỉnh để tích lũy thêm những cổ phiếu có triển vọng tăng trưởng tích cực.
Thực tế, hai phiên giảm điểm liên tiếp với thanh khoản tăng vọt đang phát đi tín hiệu xấu cho thị trường, chứng tỏ lượng bán ra áp đảo, chưa có dòng bắt đáy đủ mạnh, nếu thị trường không đảo chiều tăng điểm trở lại thì lượng call margin sẽ tăng lên, và điều gì đến sẽ đến.
Thùy Linh